Dư vị cho Tết thêm ngọt ngào

10:44' - 06/02/2019
BNEWS Ngậy, bùi, béo pha thêm chút cay nồng của gừng là cảm nhận rõ nét khi thưởng thức bánh ít lá gai Bình Định.

Cảm nhận này không chỉ qua hình dáng tựa những ngôi tháp Chàm cổ kính rêu phong, sắc màu đen lục của lá gai và nếp dẻo mà còn bởi cái tên gọi mang đầy chất huyền thoại.

Thứ quà quê độc đáo đang được Bình Định coi là sản phẩm đặc trưng của tỉnh và hướng tới xuất khẩu, thay vì chỉ làm quà biếu hay dùng trong các dịp lễ hay Tết đến, Xuân về.

Bánh ít lá gai Bình Định. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nhớ lại trước đây khi ba mẹ còn sống, gia đình tôi luôn là điểm đến của các buổi gặp gỡ từ họp họ hàng đầu năm đến đồng niên, đồng môn và ngay cả tổng kết của chi hội cựu chiến binh nơi mẹ tôi làm “thủ lĩnh”. Có lẽ vì vậy mà gian bếp nhà tôi luôn đỏ lửa.

Cũng giống như ba mẹ tôi, hầu hết khách đến với gia đình thường là những học sinh miền Nam hay cán bộ tập kết ra Bắc nên mỗi lần gặp nhau ngoài những câu chuyện rôm rả, họ lại cùng chia sẻ với nhau những món ăn ẩm thực quê nhà.

Mẹ tôi là dân Bình Định gốc được đoàn văn công Liên khu 5 tuyển ra Bắc từ khi mới 13 tuổi. Với tài khéo léo nội trợ bẩm sinh cộng thêm kết hôn với ba tôi là một thân vương của triều đại Nguyễn nên các bữa tiệc ấy luôn đầy đủ các loại bánh trái.

Nhà tôi có hai chị em, nhưng tuổi tác cách xa nên khi chị gái lấy chồng tôi mới đang học lớp 7. Cũng vì thế, tất cả mọi việc trong nhà, tôi thay chị tiếp quản từ đó.

Lá gai. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Sợ nhất đối với tôi là mỗi lần gia đình có tiệc, tôi luôn bị mẹ đánh thức từ lúc 5h sáng xách xô gạo được mẹ ngâm từ hôm trước đi xay. Không những thế, hồi ấy chưa có bếp điện, bếp từ như bây giờ nên sau khi xay bột về tôi lại mang cái gắp đi lấy ba viên than tổ ong đã được một nhà nhóm sẵn về đặt vào bếp.

Các món bánh trái luôn được mẹ tôi thay đổi, lúc thì bánh bèo, bánh xèo, bánh bột lọc, quai vạc, bún bò, bún thang, bánh canh đến các món bánh ngọt như bánh ú, bánh bò và nhớ nhất với tôi là món bánh ít lá gai.

Cũng không hiểu tại sao ngày xưa tôi sợ loại bánh ấy đến thế, chắc bởi nó có màu đen. Nhưng đã là con gái mẹ tôi thì không có ngoại lệ, sợ vẫn phải làm. Vì theo quan niệm của mẹ, con gái phải tề gia nội trợ, phải biết quán xuyến và nấu cho chồng con những món ăn ngon.

Hơn nữa, mẹ tôi thường lý giải rằng đã là con cháu Bình Định không biết làm bánh ít lá gai thì chưa thể làm dâu nhà chồng. Làm nên chiếc bánh phải kỳ công, vất vả cùng với sự khéo léo, thành thục. Trong ca dao Bình Định từ xa xưa cũng đã lưu truyền: ‘‘Muốn ăn bánh ít lá gai/Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”.

Hồi ấy nhà bà ngoại tôi cũng rất giàu, ngoài bạt ngàn đất đai còn có hơn chục cái xe tải to chở hàng Nam-Bắc. Vì vậy, mỗi lần xe ra Hà Nội lại mang cho mẹ nào lá giang nấu chua, mắm cái là loại mắm được muối từ cá cơm vẫn còn nguyên con ăn với thịt luộc và bánh tráng gạo, mật ong rừng đến cả những chiếc lá gai vừa được hái vẫn còn nguyên màu xanh tươi non.

Mỗi lần nhận được lá gai là tôi có nhiệm vụ đem  rửa sạch, luộc chín, sau đó để  ráo nước rồi giã cho thật nhuyễn, mịn như bột. Trong lúc đó mẹ tôi đi vo sạch gạo nếp ngâm khoảng từ 3 - 4h và đem xay, dĩ nhiên không ai khác ngoài tôi.

Sau khi xay về, tôi thường đăng bột bằng cách cho bột nếp vào trong một chiếc túi vải, buộc chặt lại treo lên hoặc dùng một phiến đá đè lên trên để nước bên trong thoát ra ngoài. Chỉ còn lại phần bột nếp giống như ngoài Bắc ép bột làm bánh trôi bánh chay vậy.

Cho bột nếp, lá gai đã giã nhuyễn và đường đã thắng dẻo vào cối, tiếp tục quết mạnh cho hỗn hợp bột nếp, lá gai, đường hòa quyện vào nhau. Khi quết phải xoa đều dầu lạc vào đầu chày thường xuyên để bột khỏi dính và dầu được trộn đều vào bột.

Nhân của loại bánh này là dừa được bào thành sợi, bỏ vào chảo xào chung với đường cho chín tới rồi cho đậu xanh đã nấu chín, bóc vỏ, thêm ít gừng vào xào chung với lửa nhỏ, đến khi nào hỗn hợp chuyển sang màu vàng sậm là được.

Tuy nhiên, với các loại bánh khác nếu nhân là quan trọng nhất thì với bánh ít lá gai quý nhất và quyết định lại là vỏ bọc màu đen phía ngoài.

Chia bột thành từng miếng nhỏ, cho nhân vào bên trong, vo tròn thoa đều bánh bằng dầu lạc đã đun chín sau đó gói theo hình tháp vuông bằng lá chuối đã được cắt vuông, tỉa tròn ở các cạnh và đem phơi nắng cho mềm hoặc có thể hơ trên than hồng cho nhanh để khi gói bánh không bị rách. Công đoạn cuối cùng là đem bánh hấp cách thủy cho chín.

Bánh ít lá gai rất dẻo, nhưng không dính răng, ăn nhiều không sợ đau bụng vì trong lá gai có vị thuốc trị đau bụng. Cắn một miếng, vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị béo giòn của dừa, vị bùi của đậu xanh, hương cay nồng của gừng tạo nên một cảm giác khoái khẩu không thể quên được. Thông thường, bánh này chỉ được làm trong các dịp Tết hay cúng giỗ để con cháu thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ, ông bà tổ tiên bởi dù không tốn nhiều chi phí, nhưng mất rất nhiều thời gian.

Các cô, các bác đến chơi nhà cũng chia sẻ rằng, trước kia khi ở quê vào dịp lễ Tết hay ngày cúng, giỗ, bà con hàng xóm tụ họp cùng nhau phụ giúp làm bánh, vừa làm vừa trò chuyện, tạo nên không khí gia đình đầm ấm.

Đó là một nét văn hóa truyền thống lâu đời đáng được trân trọng và gìn giữ. Cũng vì vậy, bánh ít lá gai đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực ở Bình Định.

Nghề làm bánh ít lá gai vẫn duy trì được cho đến ngày nay là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Bình Định. Bởi, không chỉ đơn thuần là một nghề mà còn thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, hương vị ngon ngọt của bánh mang đậm biểu trưng cho đặc sản của vùng đất võ trời văn. Vì thế, việc chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Bánh ít lá gai Bình Định” vào tháng 5/2017 được coi là một cơ hội để sản phẩm này được quảng bá, tiêu thụ tốt hơn.

Ngày nay, khi đến với Bình Định khách du lịch cũng sẽ dễ dàng tìm được món bánh ít lá gai mua về làm quà cho bạn bè, người thân. Tuy nhiên, do được hướng dẫn cụ thể về quy trình, tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng sản phẩm nên bánh thường được đóng bao bì bằng chất liệu bìa cứng để đảm bảo giữ được hình dáng bánh khi vận chuyển đi xa.

Bên cạnh việc phục vụ thị trường truyền thống, UBND tỉnh Bình Định còn hướng đến việc đưa sản phẩm vào các siêu thị và xuất khẩu qua đường hàng không sang Mỹ, Nhật Bản.

Ai đã một lần về vùng đất võ Bình Định và được thưởng thức bánh ít lá gai hẳn không bao giờ quên hương vị ngọt ngào và bình dị, chân chất như mùi của quê hương.

Tuy mộc mạc đơn sơ, nhưng bánh ít lá gai đã trở thành món ăn ngọt ngào dư vị mỗi khi Tết đến và là món quà độc đáo đậm chất quê hương không thể thiếu mỗi khi du khách về thăm mảnh đất Bình Định mưa nắng hai mùa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục