Dù xuống mức thấp của hơn một tuần, giá vàng vẫn tăng 1,5% trong tháng 10/2021

11:43' - 30/10/2021
BNEWS Phiên 29/10, giá vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.782,23 USD/ounce vào lúc 1 giờ 10 phút (sáng 30/10 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao tháng 12/2021 giảm 1,04% xuống 1.783,90 USD/ounce.

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần vào phiên 29/10, sau khi số liệu mới nhất cho thấy lạm phát của Mỹ vẫn tăng nóng vào tháng trước khiến thị trường lại dồn trọng tâm chú ý vào cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong tuần tới.

Nhưng dù giảm trong tuần nhưng tính chung cả tháng giá vàng kỳ hạn vẫn tăng, một phần là do hoạt động mua vào do lo ngại về lạm phát gia tăng trên toàn thế giới và sự phục hồi không đồng đều của các nền kinh tế từ đại dịch COVID-19.

Phiên 29/10, giá vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.782,23 USD/ounce vào lúc 1 giờ 10 phút (sáng 30/10 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao tháng 12/2021 giảm 1,04% xuống 1.783,90 USD/ounce.

Yếu tố chính tác động lên thị trường trong phiên này là báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy rằng lạm phát của nước này trong tháng Chín đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1/1991 và có thể thách thức quan điểm của Fed rằng tình trạng lạm phát phi mã chỉ mang tính tạm thời.

Thông tin đó đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Fed sẽ đưa ra hành động chính sách chủ động để chống lại tình trạng tăng giá phi mã, đồng thời giúp lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng 1,6190% và đồng USD tăng 0,8% trong phiên 29/10.

Fed dự kiến sẽ công bố thời điểm bắt đầu cắt giảm các biện pháp hỗ trợ vào cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 2-3/11.

Nhìn chung, thị trường vàng đã có một tuần giao dịch khá “giằng xé” với các phiên tăng giảm đan xen.

Trong phiên đầu tuần 25/10, giá vàng thế giới tăng khoảng 1%, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đi xuống và mối lo ngại dai dẳng về lạm phát làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản an toàn.

Sang phiên 26/10, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ lại quay đầu giảm 13,4 USD (0,74%) xuống 1.793,4 USD/ounce do hoạt động bán ra chốt lời của giới đầu tư. Các nhà phân tích thị trường cho rằng giá vàng giảm chỉ là một sự điều chỉnh tạm thời trong bối cảnh xu hướng đi lên vẫn được duy trì.

Trong phiên giao dịch ngày 27/10, giá vàng Mỹ lại tăng 5,4 USD (tương đương 0,3%) lên 1.798,8 USD/ounce.

Theo trang cung cấp thông tin kinh tế, tài chính và chứng khoán MarketWatch, nhu cầu vàng vật chất của Trung Quốc tăng cũng góp phần hỗ trợ kim loại quý này tăng giá.

Ngoài ra, vàng nhận thêm sự hỗ trợ khi Bộ Thương mại Mỹ ngày 27/10 báo cáo giá trị các đơn đặt hàng hóa lâu bền của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng Chín giảm 0,4% so với tháng Tám trước đó, xuống còn 261,3 tỷ USD.

Đà tăng của vàng tiếp tục trong phiên 28/10, sau khi đồng USD suy yếu và dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn một năm. Cuối phiên này, giá vàng giao kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,2% lên 1.802,6 USD/ounce.

Với việc giá vàng Mỹ xuống mức thấp của hơn một tuần trong phiên 29/10, kim loại quý này đã mất khoảng 0,7% tính chung trong tuần qua.

Nhưng giá vàng vẫn tăng 1,5% trong tháng 10/2021 - mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng Bảy tới nay.

Ông Phillip Streible, chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới đầu tư Blue Line Futures đánh giá hiện không có bất cứ yếu tố nào có thể ngăn chặn đà giảm của vàng. Chuyên gia này cho biết thêm rằng các quỹ sẽ bán ra tích cực khi vàng vượt qua mức 1.800 USD/ounce.

Giá vàng đã rất chật vật để bám trụ trên ngưỡng 1.800 USD/ounce - một ngưỡng quan trọng về mặt tâm lý mà một số nhà đầu tư hiện coi là ngưỡng kháng cự đối với vàng.

Trong khi vàng được coi là hàng rào chống lạm phát, việc giảm các biện pháp kích thích và tăng lãi suất có xu hướng đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ và đồng USD lên. Diễn biến đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng vốn là một tài sản không sinh lời.

Còn theo một số nhà quan sát, giá vàng trong ngắn hạn cần giữ mục tiêu 1.760 USD/ounce - mức hỗ trợ tiếp theo cho kim loại quý này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục