Đưa Bình Định phát triển thành trung tâm kinh tế biển

21:15' - 03/09/2016
BNEWS Điều kiện giao thông đường bộ của Bình Định tương đối thuận lợi; đường hàng không có sân bay Phù Cát, cách Quy Nhơn 20 km đang được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế.
Đưa Bình Định phát triển thành trung tâm kinh tế biển. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Với chiều dài bờ biển hơn 134 km, cùng với hệ thống cảng biển, nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiểng, Bình Định có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, Bình Định chưa tận dụng hết các tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng để có thể trở thành trung tâm kinh tế biển.

BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về những mục tiêu và hành động của tỉnh trong thời gian tới.

BNEWS: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế biển của Bình Định? Bình Định đã đề ra mục tiêu gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Trần Châu: Có thể nói, Bình Định được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế như có chiều dài bờ biển 134 km, với 3 đầm lớn (Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ) sát biển, tạo thành vùng đầm phá lớn. Đặc biệt, Bình Định có hệ thống cảng biển phát triển mạnh; trong đó cảng Quy Nhơn là một trong những cảng biển có quy mô lớn của cả nước. Bên cạnh đó, Bình Định có rất nhiều vịnh đẹp chạy dọc bờ biển như Quy Nhơn, Xuân Đài, Eo Gió, Kỳ Co... tạo nhiều lợi thế để phát triển du lịch.

Với những tiềm năng, lợi thế đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa Bình Định trở thành trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển. Mục tiêu này cũng đã được đưa vào Nghị quyết Đại hôi Đảng bộ tỉnh lần thứ 19; đồng thời coi kinh tế biển là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

BNEWS: Vậy Bình Định đã đưa ra những giải pháp gì để đạt mục tiêu đó, thưa ông?

Ông Trần Châu: Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, vừa qua Trung ương có hỗ trợ cho Bình Định nâng cấp, sửa chữa hệ thống cảng biển. Hiện tỉnh đang quy hoạch, mở rộng, nâng cấp lại hệ thống hạ tầng tại các cảng biển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ lên gần 5.000 chiếc trong 5 năm tới; nâng cao năng suất, chất lượng đánh bắt hải sản xa bờ.

Song song đó, tỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá; thành lập, đóng mới khoảng 15 - 20 chiếc tàu trung chuyển sản phẩm hải sản cho đội tàu đánh bắt xa bờ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến thủy hải sản. Hiện tỉnh đã đồng ý cho Công ty An Hải xây dựng nhà máy chế biến thủy hải sản với quy mô 6 ha, áp dụng công nghệ hiện đại. Ngoài ra, tỉnh phối hợp với các đơn vị của Nhật Bản nhằm hỗ trợ quy trình và thiết bị câu cá ngừ đại dương, nâng cao chất lượng thịt cá ngừ, tạo giá trị gia tăng.

Đối với du lịch, hiện Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo ráo riết đối với quy hoạch ngành du lịch tầm nhìn đến 2030; kêu gọi, thu hút đầu tư vào các bãi biển đẹp, khu vui chơi giải trí. Hiện đã có Tập đoàn FLC đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng 5 sao tại Nhơn Lý; đồng thời có 78 doanh nghiệp đang xin phép đầu tư dọc bãi biển của Bình Định. Ngoài du lịch biển, Bình Định còn có 3 đầm phá có nhiều cảnh đẹp được nhiều khác quốc tế ưa thích.

Hiện tỉnh đang xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Ngoài ra cũng phải kể đến các danh lam thắng cảnh như bảo tàng Quang Trung, Thành Hoàng đế...

BNEWS: Với tiềm năng kinh tế biển to lớn, tỉnh có định hướng thu hút đầu tư như thế nào để vừa khai thác tốt tiềm năng, vừa bảo vệ bền vững môi trường biển?

Ông Trần Châu: Quan điểm của Bình Định trong phát triển kinh tế địa phương là lấy công nghiệp làm chính. Tuy nhiên, sau sự cố về môi trường biển ở các tỉnh miền Trung vừa qua, tỉnh cũng rút kinh nghiệm và có sự chọn lọc khi thu hút đầu tư đối với các dự án có ảnh hưởng đến môi trường.

ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Bình Định. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Vừa qua có một dự án lớn của Áo về sản xuất sợi xin đầu tư nhưng tỉnh cũng không đồng ý vì xét thấy dự án có ảnh hưởng tới môi trường rất lớn. Hay như dự án lọc hóa dầu xin đầu tư tại gần khu du lịch, tỉnh cũng đã từ chối. Tất cả các dự án xin đầu tư đều được tỉnh nghiên cứu chọn lọc rất kỹ, đặc biệt là các dự án có ảnh hưởng đến môi trường.

Hiện Bình Định có 3 khu kinh tế lớn với tổng diện tích gần 2.000 ha. Sắp tới có thêm Khu công nghiệp do VShip của Singapore đầu tư với diện tích khoảng 2.300 ha.

BNEWS: Để thực hiện tốt mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh có kiến nghị gì?

Ông Trần Châu: Để tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế biển, Bình Định kiến nghị với Trung ương kéo dài thời gian triển khai Nghị định 67 để tỉnh có thể hoàn tất việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ.

Bên cạnh đó, hỗ trợ địa phương đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển; mở rộng một số khu neo đậu, tránh trú bão bởi hệ thống này hiện mới chỉ đáp ứng được 1/2 số lượng tàu cá của tỉnh, còn lại phải đi neo đậu, tránh trú bão tại các địa phương lân cận mỗi khi mùa mưa bão đến. Ngoài ra, cần có cơ chế cho vay vốn lãi suất thấp để doanh nghiệp đầu tư vào ngành thủy sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá...

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục