Đưa công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh

08:26' - 16/02/2019
BNEWS Lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Nam mô hình nuôi tôm công nghệ cao được triển khai, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan.
Mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao lần đầu tiên tại Quảng Nam. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN

Sau một thời gian nghiên cứu, giữa năm 2018 Công ty cổ phần QNTEK (Quảng Nam) đã áp dụng công nghệ mới vào nuôi tôm thâm canh với ứng dụng công nghệ bọt khí Micro-Nano Oxygen, giữ oxy hòa tan trong nước ≥ 6ppm. Sử dụng các khoáng vi sinh dược liệu như đinh lăng, tỏi, ổi, an xoa, cà rốt…

Đồng thời, sử dụng các men vi sinh có sẵn trong môi trường, không sử dụng men vi sinh bổ sung để phân hủy hữu cơ. Nuôi với mật độ ≥ 500 con/m2. Xử lý nước thải tuần hoàn bằng công nghệ bọt khí Micro-Nano Ozone. Hạn chế tối đa mật độ tảo trong ao nuôi.

Việc đầu tư công nghệ cao vào nuôi tôm có chi phí đầu tư ban đầu khá cao từ 5-6 tỷ đồng/ha, nhưng trong quá trình nuôi tôm giảm được khá nhiều chi phí về nhân lực, hóa phẩm và thức ăn… mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả bền vững an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường và hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Ông Trần Bá Cương, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần QNTEK cho biết, với quy mô hơn 6,5 ha đất vùng cát trắng tại xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, công ty đã triển khai đưa công nghệ cao vào nuôi tôm để đảm bảo con tôm sạch. Một trong những chỉ số quan trọng của môi trường nước là chỉ số ô xy.

Nếu chỉ số ô xy trong nước cao thì môi trường nước sạch và an toàn về các loại vi khuẩn và hóa chất độc hại sẽ tan trong nước. Các vi sinh vật gây hại cho tôm không phát triển, trong khi đó vi sinh vật có lợi cho tôm sẽ phân hủy chất hữu cơ không gây chất độc hại cho tôm, đồng thời với nồng độ ô xy cao sẽ hoạt động mạnh hơn, con tôm sẽ lớn nhanh và sức đề kháng mạnh đúng với tiêu chí nuôi tôm sạch…

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay các mô hình nuôi tôm ở tỉnh Quảng Nam chủ yếu do người dân tự nuôi bằng cách lót bạt trên cát. Việc nuôi tôm ở Quảng Nam thời gian qua chỉ nuôi theo hình thức quảng canh theo mô hình hộ gia đình với công nghệ thô sơ, từ việc xử lý nước đưa vào nuôi, công nghệ nuôi và công nghệ xử lý nước thải ra môi trường còn chưa làm tốt, chính vì vậy phần nào đã gây ô nhiêm môi trường ven biển Quảng Nam nhất là các xã ven biển huyện Thăng Bình, Núi Thành…

Đối với mô hình nuôi tôm công nghệ cao này, lần đầu tiên tại Quảng Nam, một doanh nghiệp đã nghiên cứu đưa công nghệ tiên tiến vào nuôi tôm thâm canh, đáp ứng việc đảm bảo môi trường.

Tỉnh Quảng Nam mong muốn doanh nghiệp cùng với người dân trong vùng quy hoạch phát triển nuôi tôm trên cát hợp tác để cùng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nuôi tôm đảm bảo tiêu chuẩn và cùng quản lý khai thác để đem lại hiệu quả kinh tế cao, cũng như ổn định vụ nuôi không ảnh hưởng bởi thời tiết, thị trường và bảo vệ môi trường…

Tỉnh tập trung hướng đến việc phát triển nông nghiêp ứng dụng cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh mô hình này, tỉnh cũng quan tâm rất nhiều các mô hình công nghệ cao khác như chăn nuôi, trồng trọt, phát triển dược liệu… Tỉnh Quảng Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư các nhà máy để chiến biến sâu các sản phẩm mà mình làm ra, để đem lại các gia trị gia tăng cao hơn…

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch hơn 3.000 ha. Đến nay, tổng diện tích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã triển khai hơn 300 ha tập trung ở một số địa bàn như Thăng Bình, Phú Ninh, Đại Lộc, Tiên Phước, Nam Trà My. Các doanh nghiệp đang triển khai nuôi heo, tôm, trồng rau, củ, quả trong nhà lưới…

Hiện, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư quy mô lớn vào phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiên tiến với một số cơ chế chính sách ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh đã ban hành./.

Xem thêm:

>>Khắc phục ô nhiễm môi trường do nuôi tôm siêu thâm canh

>>Nông dân gặp khó khi nuôi tôm công nghệ cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục