Đưa doanh nghiệp FDI lên sàn - hạn chế chuyển giá, trốn thuế

12:06' - 23/11/2021
BNEWS Dù vốn FDI trực tiếp vào Việt Nam không ngừng tăng lên, nhưng vốn hóa của doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn hóa thị trường chứng khoán (khoảng 0,3%).
Doanh nghiệp FDI  lên sàn, bán đi cổ phiếu khiến việc công khai tài chính mỗi năm của công ty sẽ có tính rõ ràng, minh bạch hơn, hạn chế được việc chuyển giá, trốn thuế.Tuy nhiên, vẫn có một số rào cản trở ngại cho việc các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán. Đây là ý kiến trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Công ty Luật SB Law Nguyễn Thanh Hà với phóng viên TTXVN.

Phóng viên: Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vốn hóa của doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn hóa thị trường (khoảng 0,3%). Theo luật sư có ít doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán là do cơ chế, hay do doanh nghiệp FDI không muốn lên sàn?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Doanh nghiệp FDI theo quy định của Luật Đầu tư 2020 được coi là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước đây, các doanh nghiệp FDI khi chuyển sang hình thức công ty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán thì thực hiện theo Nghị định 38/2003/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thí điểm việc chuyển đổi doanh nghiệp FDI sang công ty cổ phần và theo Quyết định 238/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay các văn bản trên đã hết hiệu lực, trong khi trong các văn bản pháp lý sau giai đoạn này không có quy định cụ thể về việc lên sàn của doanh nghiệp FDI. Do đó, cũng tạo nên một số rào cản khi doanh nghiệp FDI muốn niêm yết.

Hơn nữa, các điều kiện để một doanh nghiệp có thể “lên sàn” là khá nhiều. Ví dụ như việc yêu cầu mức vốn điều lệ tối thiểu của một công ty nếu muốn lên sàn tại sàn HOSE là 120 tỷ đồng, tại sàn HNX là 30 tỷ đồng, hoặc còn những yêu cầu về thời gian hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần ở Việt Nam tính tới thời điểm đăng ký niêm yết là 2 và 1 năm, lần lượt với các sàn HOSE và HNX.

Hơn nữa, sàn HOSE còn yêu cầu các công ty muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch của họ cần phải công khai các khoản nợ đối với thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban giám đốc, cổ đông lớn và những người liên quan. Chính những yếu tố phức tạp này đã tạo nên một số rào cản trở ngại cho việc các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam để niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán.

Phóng viên: Luật sư có cho rằng, việc doanh nghiệp FDI lên sàn sẽ giúp minh bạch hơn đối với các doanh nghiệp này. Qua đó, hạn chế tình trạng trốn thuế, chuyển giá?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Như đã đề cập ở trên, việc sàn chứng khoán HOSE yêu cầu công ty có ý định niêm yết cổ phiếu cần phải công khai các khoản nợ là một cách làm gia tăng sự minh bạch đối với các doanh nghiệp này, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nước ngoài với ý định lợi dụng những kẽ hở pháp lý cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam để trục lợi về thuế và tài chính.

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp FDI “đưa mình” lên sàn, bán đi cổ phiếu cũng là một cách làm đa dạng hoá thành phần cổ đông trong công ty, khi đó các cổ đông trong công ty sẽ được theo dõi các hoạt động tài chính của công ty, khiến việc công khai tài chính mỗi năm của công ty sẽ có tính rõ ràng, minh bạch hơn, hạn chế được việc chuyển giá, trốn thuế.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, giới đầu tư e ngại đặt dấu hỏi về sự minh bạch trong các thông tin tài chính, thậm chí lo ngại có hiện tượng doanh nghiệp FDI lợi dụng thị trường chứng khoán để chiếm dụng vốn hay một chiến lược “thoái lui”, có nghĩa sau khi niêm yết, các cổ đông lớn sẽ bán hết phần vốn đầu tư và rút về nước. Luật sư đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Công ty cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (mã chứng khoán: TYA), Công ty cổ phần Everpia (mã chứng khoán: EVE), Công ty cổ phần Mirae (mã chứng khoán: KMR), Công ty cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (mã chứng khoán: TKU)… là những doanh nghiệp FDI đã niêm yết trên sàn và hiện nay vẫn hoạt động khá ổn định. Thực tế, tại Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp doanh nghiệp FDI lợi dụng thị trường chứng khoán để chiếm dụng vốn hay “thoái lui”.

Tuy nhiên, việc lo ngại trên cũng không phải không có căn cứ, do đó, thiết nghĩ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng cơ chế cho phép các doanh nghiệp FDI lên sàn cần đánh giá kỹ lưỡng các cam kết mà doanh nghiệp FDI thực hiện khi được cấp phép đầu tư tại Việt Nam, cũng như những yếu tố đặc thù trong hoạt động của các tổ chức này để có giải pháp, đồng thời đưa ra các điều kiện ràng buộc phù hợp để tránh các hiện tượng như chiếm dụng vốn hay thoái lui.

Phóng vên: Có ý kiến cho rằng, có vẻ như Việt Nam đang tập trung nguồn lực vào mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp hơn là thông qua thị trường tài chính. Do đó, việc niêm yết của các doanh nghiệp FDI có lẽ là chưa cần thiết lúc này. Luật sư đồng tình hay không đồng tình với ý kiến này, vì sao?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc doanh nghiệp FDI niêm yết trên thị trường chứng khoán không những sẽ góp phần gia tăng mức vốn hoá cho thị trường chứng khoán, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của các doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội để thu hút các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI niêm yết trên thị trường chứng khoán còn giúp tăng cường giám sát hoạt động của doanh nghiệp từ phía nhà đầu tư, cổ đông thay vì chỉ có cơ quan đăng ký doanh nghiệp, thuế…Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên cân nhắc ban hành quy định cụ thể liên quan đến điều kiện, quy trình cho các doanh nghiệp FDI lên sàn./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn luật sư!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục