Đưa hàng Việt vào Pháp: Chiến lược nào để thu hút người tiêu dùng?

08:20' - 02/11/2021
BNEWS Để hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại thị trường Pháp, các chuyên gia cho rằng, cần có những chiến lược để thu hút người tiêu dùng.

Kể từ khi thiết lập quan hệ song phương đến nay, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số xuất khẩu ấn tượng.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi đã tạo đà cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sâu hơn vào khu vực châu Âu; trong đó, có Cộng hoà Pháp.

Đặc biệt, quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp đang phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp vẫn còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng.

Vì vậy, chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 3-5/11 theo lời mời của Thủ tướng Jean Castex sẽ mở ra cơ hội và đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

* Bạn hàng thân thiết

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Pháp luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khối Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại Việt Nam – Pháp đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011-2019.

Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, Pháp hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong Liên minh EU (EU27), chỉ đứng sau Hà Lan, Đức, Áo và chiếm khoảng 10% tỷ trọng trên tổng xuất khẩu hàng hóa sang EU. Mặc dù vậy tỷ trọng hàng Việt Nam tại thị trường này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1,1% trên tổng lượng hàng nhập khẩu của Pháp.

Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp chỉ đạt 4,8 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu đạt gần 3,3 tỷ USD, giảm 12,3% và nhập khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, giảm 4,4%. Riêng tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Pháp đạt 187,9 triệu USD và tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt đạt 2,25 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: giày dép; dệt may; đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thuỷ sản; đá quý, đồ trang sức; đồ điện, điện tử; dụng cụ cơ khí; gốm sứ các loại; cao su; than đá; đồ chơi, sản phẩm thể thao, giải trí; sản phẩm nhựa; hàng mây tre đan…

Để thúc đẩy việc đưa hàng Việt vào thị trường Pháp, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại qua hệ thống phân phối của Pháp đã và đang liên tục được triển khai. Đơn cử như mới đây, lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 đã có mặt tại hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris (Pháp).

Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng tại Pháp có thể ngay lập tức tiếp cận toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian.

Cho tới nay, trái vải Việt Nam mặc dù vẫn đang được nhập khẩu vào Pháp nhưng đều qua kênh nhập khẩu số lượng nhỏ, nhập khẩu chung với các loại trái cây khác. Hoặc, đưa vào Pháp từ các nước EU khác có điều kiện nhập khẩu ít ngặt nghèo hơn và gần như chưa được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn tại Pháp.

Trong bối cảnh đó, lô hàng gần 1 tấn vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc được nhập khẩu chính ngạch có ý nghĩa "khai thông" quan trọng cho trái vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung vào thị trường Pháp.

Cùng với trái vải, số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế cho thấy, quý I/2021, Pháp giảm nhập khẩu hạt điều từ nhiều nguồn cung, nhưng tăng mạnh từ Việt Nam và Hà Lan. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 58,7% trong quý I/2020 lên 63,35% quý I/2021. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều của Pháp được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới, là cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam đa phần là những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn; trong đó, dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải luôn chiếm tỷ trọng đáng kể và kim ngạch nhập khẩu cao. Riêng năm 2020, nhập khẩu hàng hóa từ Pháp về Việt Nam đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 4,3% so với năm 2019.

Về đầu tư, tính đến ngày 20/8/2021, Pháp đứng thứ 16/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 632 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư trên 3,6 tỷ USD.

* Xây dựng chiến lược

Để hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại thị trường Pháp, các chuyên gia cho rằng, cần có những chiến lược để thu hút người tiêu dùng. Hơn nữa, giá bán hợp lý cũng là một yếu tố để có thể đưa hàng hóa vào được chợ đầu mối hoặc các hệ thống siêu thị đối tác tiềm năng.

Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động bài bản, kiên trì theo đuổi các đối tác tiềm năng, xây dựng lòng tin cũng như chứng minh được năng lực hợp tác và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, khâu vận chuyển là khó khăn chung đối với đa số các công ty xuất khẩu Việt Nam, nhưng nếu thuyết phục được nhà nhập khẩu về chất lượng sản phẩm, các nhà xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam còn có được một lợi thế khác. Cụ thể, với mức thuế gần như bằng không, giá bán đến người tiêu dùng sẽ cạnh tranh hơn so với những sản phẩm cùng chủng loại được nhập từ các nước khác, không có Hiệp định EVFTA.

Theo khuyến cáo từ Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cơ hội cho hàng Việt tiếp tục thâm nhập vào thị trường Pháp là rất lớn, tuy nhiên, giống như những quốc gia khác thuộc khu vực châu Âu, yêu cầu đòi hỏi của thị trường này cũng rất cao.

Do đó, các nhà cung cấp cần tiếp tục nỗ lực trong việc duy trì chất lượng. Dù giá cả rất quan trọng thế nhưng doanh nghiệp cần tuân thủ, tôn trọng và tự đặt mình vào các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, cạnh tranh được với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các nhà máy bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm.

Thương vụ Việt Nam tại Pháp cũng lưu ý doanh nghiệp có thể tận dụng các doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu để trở thành cầu nối cùng với doanh nghiệp trong nước tận dụng những cơ hội mới từ Hiệp định EVFTA.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mời chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm và công nhân lành nghề (thợ cả) của Pháp đến Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn. Từ đó, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa thông qua họ tìm hiểu thông tin vào thị trường, quảng bá các sản phẩm Việt Nam tại Pháp.

Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, sau 1 năm từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đồng thời trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Hiệp định vẫn đem lại những kết quả hết sức tích cực đối với thương mại – đầu tư song phương Việt Nam-Pháp.

Thế nhưng, để quan hệ thương mại hai bên được nâng lên tầm cao mới, Việt Nam đề nghị Pháp nói riêng và EU nói chung tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tận dụng tốt Hiệp định EVFTA nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân của hai bên.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam khẳng định sự quyết tâm và dành nỗ lực cao nhất trong việc thực hiện đầy đủ những cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA. Do đó, các cấp liên quan của Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Pháp và EU, tiếp tục xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA đảm bảo hiệu quả cao nhất của quá trình triển khai Hiệp định.

Bởi vậy, Việt Nam mong muốn Pháp và EU ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, thông cảm về những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định đến từ những yếu tố khách quan và dành thêm hỗ trợ kỹ thuật riêng cho Việt Nam để thực thi Hiệp định EVFTA./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục