Đưa kinh tế biển trở thành “hạt nhân” động lực cho phát triển

20:17' - 11/06/2022
BNEWS Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành các Nghị Quyết, Chương trình hành động với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế biển cũng như thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW.

Ngày 11/6, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Phú Yên về việc triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045".

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Trần Tuấn Anh đánh giá cao Phú Yên đã triển khai quyết liệt, bám sát thực hiện Nghị Quyết 36-NQ/TW đạt được nhiều kết quả.

Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành các Nghị Quyết, Chương trình hành động với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế biển cũng như thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Phú Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, nổi bật nhất là khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển giao thông vận tải, năng lượng tái tạo.

 

Tuy nhiên, quy mô kinh tế biển còn hạn chế, chưa phát huy tiềm năng lợi thế của kinh tế biển để phục vụ hiệu quả phát triển kin tế-xã hội cho địa phương.

Ban Kinh tế Trung ương chọn Phú Yên là địa phương đầu tiên để giám sát việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TWđể cùng nhau thảo luận chỉ ra những mặt làm được, những tồn tại, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để Phú Yên khai thác hiệu quả tiềm năng dư địa phát triển kinh tế biển.

"Để kinh tế biển trở thành "hạt nhân", động lực cho phát triển, Phú Yên cần tạo ra cơ chế chính sách thỏa đáng, điểm tựa để phát triển đặc biệt đối với Khu kinh tế Nam Phú Yên. Ngoài ra, tỉnh cần phát huy vài trò con người là chủ thể phát triển kinh tế biển, thu hút đầu tư thêm nguồn lực hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng khác, tăng cường liên kết vùng, khai thác phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Tỉnh cần nghiên cứu các mô hình kinh tế biển đang phát triển tốt tại các địa phương đã thành công để áp dụng tại Phú Yên. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ Phú Yên tiếp tục cụ thể hóa, kế hoạch phát triển kinh tế biển, phát triển vùng". Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết, Phú Yên có đường bờ biển dài 189km với địa hình bờ biển đa đạng, có nhiều vùng, vịnh, đảo và cụm đảo gần bờ. Vùng đặc quyền kinh tế biển của tỉnh có trên 34.000km, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt trên 60.000 tấn với nhiều loại thủy, hải sản có giá trị. Ngành kinh tế thuần biển đã đóng góp từ khoảng từ 8-10% GRDP của tỉnh.

Đến nay, khu vực ven biển Phú Yên đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 460 ha, đã có hơn 80 dự án đầu tư, tỷ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%. Phú Yên hiện còn nhiều tiềm năng, thế mạnh để đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch biển đảo, khai thác, đánh bắt nuôi trồng thủy sản gắn công nghiệp chế biến, phát triển giao thông, cảng biển, năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, Khu kinh tế Nam Phú Yên trải dài khoảng 50 km đường bờ biển, quy mô diện tích hơn 21.000 ha, hội tụ đầy đủ các yếu tố, tiềm năng, lợi thế để phát triển thành khu kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh và cũng là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên-Phạm Đại Dương cho biết, triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 26/3/2019; chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 18/8/2021 về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên có vai trò quan trọng gắn kết, kết nối liên vùng với Khu kinh tế Vân Phong.

Tỉnh xác định kinh tế biển là ngành kinh tế chủ lực, do vậy đã có nhiều chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển, trong đó lấy Khu kinh tế Nam Phú Yên làm động lực đầu tư, phát triển.

Phú Yên cũng đã tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế biển; tổ chức thực hiện trên 11 nhiệm vụ, dự án về thiết lập bộ cơ sở dữ liệu vùng bờ, biển đảo; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xây dựng tỉnh trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh giao thương thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 36- NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương tại tỉnh Phú Yên còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, việc chậm thực hiện các thủ tục hành lang pháp lý, quy hoạch; hạn chế nguồn lực đầu cơ sở vật chất hạ tầng, do vậy việc khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển ở Phú Yên chưa được phát huy nhiều.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã phân tích những tồn tại, hạn chế, đồng thời đề xuất các giải pháp giúp Phú Yên khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế, trong đó các đại biểu nhấn mạnh tỉnh cần tăng cường kêu gọi, huy động nguồn lực nguồn lực đầu tư các nhà máy chế biến thủy sản, nuôi biển, phát triển du lịch, dịch vụ, chống khai thác IUU, giám sát chặt nguồn thải ra biển, bảo vệ môi trường, hoàn thiện xây dựng quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch liên kết vùng phát triển bền vững.

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã ký kết Kế hoạch hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022 – 2024; các đại biểu trong đoàn giám sát triển khai trồng cây xanh tại khu vực Quảng trường Nghinh Phong, thành phố Tuy Hòa.

Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã đi kiểm tra địa điểm dự kiến đầu tư Cảng Bãi Gốc, Khu Công nghiệp Hòa Hiệp, Cảng Vũng Rô./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục