Đưa làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào nông nghiệp

17:00' - 09/12/2022
BNEWS Nông nghiệp Việt Nam đang duy trì mức tăng trưởng tốt và là lĩnh vực còn nhiều dư địa để thu hút đầu tư nước ngoài. 
Tuy nhiên để tập trung được nguồn lực này vào phát triển nông nghiệp bền vững, cần có chiến lược cải thiện môi trường đầu tư và hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai.

Đây là nội dung được các chuyên gia tập trung thảo luận tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 9/12.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP sản xuất nông lâm thuỷ sản Việt Nam duy trì ổn định, trung bình tăng 2,83%/năm. Sản lượng lương thực thực phẩm tăng nhanh không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp cho an ninh lương thực quốc tế. Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được nâng cao, giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản hàng năm đều tăng 8-10%.

Trong những thành tựu của ngành nông nghiệp Việt Nam, khu vực đầu tư nước ngoài cũng có đóng góp tích cực thông qua việc bổ sung nguồn vốn đầu tư đáng kể cho ngành nông nghiệp. Luỹ kế giai đoạn 2009-2021 có gần 2.000 dự án đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp Việt Nam với tổng số vốn hơn 17,6 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực chế biến, thương mại nông sản.

Các dự án đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Việt Nam theo hướng, đa dạng hóa đối tượng sản xuất, tạo ra các giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao; nâng cấp công nghệ, chuyển đổi phương thức canh tác và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

 
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, quy mô của các dự án đầu tư nước ngoài trong ngành nông nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của nông nghiệp Việt Nam. Cơ cấu đầu tư nước ngoài trong ngành nông nghiệp còn thiếu tính đa dạng, thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn còn hạn chế. Liên kết của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tới khu vực trong nước chưa chặt chẽ, chưa tạo cú huých thực sự cho kết nối chuỗi toàn cầu.

Nguyên nhân là do chính sách hỗ trợ của Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để xem xét và mở rộng đầu tư trong nông nghiệp. Các dịch vụ logistics hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp của nhiều địa phương còn nhiều hạn chế. Mặt khác, quy định về quản lý hoạt động liên quan đến vốn đầu tư nước ngoài chưa chặt chẽ; khó khăn trong tiếp cận đất nông nghiệp với quy mô đủ lớn là một trở ngại lớn đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi tiếp cận lĩnh vực nông nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong cho rằng, giải pháp căn cơ nhất để để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp chính là cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư; rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh; tăng cường thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nông sản nói chung để hạn chế hàng giả và sản phẩm nhập lậu, tăng nhu cầu đối với các sản phẩm được chứng nhận.

Song song đó, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai để các địa phương chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch trong khả năng cho các dự án đầu tư, quy hoạch diện tích đất phục vụ hạ tầng logistics, kho bãi, nhà xưởng chế biến gần vùng nguyên liệu; thực hiện nhất quán, minh bạch chính sách, quy trình cho thuê đất cho các nhà đầu tư; xây dựng các chính sách ưu đãi riêng tại từng địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận đất sản xuất nông nghiệp, thông qua các hình thức thuê đất, liên kết sản xuất với hợp tác xã, nông dân…

“Để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối sản xuất trong nước với chuỗi sản xuất toàn cầu, cần tiến hành xây dựng tiêu chí thu hút nước ngoài có chọn lọc cho ngành. Nội dung các tiêu chí cần xây dựng là về suất đầu tư, lao động, công nghệ, chuyển giao công nghệ, tính liên kết và lan tỏa, môi trường, quốc phòng an ninh.”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong nêu giải pháp.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại  Việt Nam (Eurocham) chia sẻ, xu hướng tiêu dùng hiện nay trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu là hướng đến những giá trị vượt ra ngoài chất lượng sản phẩm thông thường, hướng đến những sản phẩm xanh và quy trình sản xuất sản phẩm bền vững. Đặc biệt, EU cũng đang có xu hướng tăng cường tiêu chuẩn hóa và luật hóa các quy định, thắt chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến khí hậu/môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Chính vì vậy, các nhà đầu tư châu Âu khi tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng sẽ ưu tiên các quốc gia, khu vực có chiến lược phát triển thích hợp. Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, công nghệ xanh và thương mại bền vững nên bắt đầu từ những ngành xuất khẩu mũi nhọn như nông - lâm - thủy sản. Việt Nam cũng cần tập trung thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ vì những lợi ích lâu dài; tận dụng lợi thế của quốc gia có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo để giảm chi phí cho các doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục