Đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái

16:45' - 03/12/2015
BNEWS Sinh vật cảnh là hình thức tổ chức sản xuất không chỉ mang lại yếu tố kinh tế và còn mang lại ý nghĩa về nhân văn, văn hóa và cả vấn đề gắn kết cộng đồng.
Chủ tịch Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam Đỗ Phượng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đó là phát biển của ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội thảo “Phát triển sinh vật cảnh với nông nghiệp, nông thôn và đô thị sinh thái” diễn ra ngày 3/12 ở Hà Nội.

Cũng theo ông Trung, sự phát triển của Hội Sinh vật cảnh đóng một vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới, mang lại môi trường sinh thái đẹp.

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam Đỗ Phượng, nông nghiệp không chỉ còn là con trâu đi trước, cái cày theo sau. Nông thôn không còn mang ý nghĩa vùng quê nghèo khổ.

Việt Nam đang đứng trước một nền nông nghiệp dẫu chưa công nghiệp hóa cũng đã có sự gắn bó giữa nông nghiệp – công nghiệp – thị trường. Trong đội ngũ nông dân, đặc biệt là những nghệ nhân trong lĩnh vực sinh vật cảnh đang đang làm ra những sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng văn hóa, khoa học cao và có sự góp mặt của nhiều trí thức.

Ông Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả đánh giá, sinh vật cảnh thực sự là một ngành kinh tế rất thị trường lại đòi hỏi đầu tư công nghệ cao và ứng dụng kỹ thuật cao như lai tạo, nhân giống, tạo giống mới...

Đơn cử như cây trồng trong ngành sinh vật cảnh không chỉ là cây cảnh mà còn là cây bóng mát, cây ăn quả… hay như trồng hoa, nuôi cá cảnh… những ngành này đòi hỏi một trình độ công nghệ và kỹ thuật nhất định.

Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, cuộc sống của người dân được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng hoa, cây cảnh cũng tăng lên nhanh chóng.

Sự phát triển sản xuất hoa, cây cảnh nói riêng và các sản phẩm sinh vật cảnh nói chung đã giải quyết việc làm cho hàng vạn hộ gia đình, đóng góp không nhỏ vào GDP của ngành nông nghiệp, từ đó góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Hội thảo "Phát triển sinh vật cảnh với nông nghiệp, nông thôn và đô thị sinh thái". Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển sinh vật cảnh nói chung và phát triển hoa, cây cảnh nói riêng. Theo kết quả điều tra khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh trung bình một năm người Việt Nam tiêu dùng xấp xỉ 30.000 đồng tiền mua hoa cây cảnh để chơi.

Nếu tính về số lượng cành hoa/đầu người thì Việt Nam vào loại nhất. Hiệp hội hoa lily Hà Lan thống kế cho thấy số lượng củ lily Việt Nam nhập khẩu ngày càng tăng. Năm 2014, Việt Nam đã nhập 55 triệu củ lily từ nước này, nhiều nhất châu Á theo tỷ lệ dân số.

Theo phân tích của ông Đặng Văn Đông, một số chủng loại hoa, cây cảnh có giá trị cao trong thời gian tới là nhóm hoa cắt cành (cúc, hồng, lay ơn, loa kèn, đồng tiền…) hoàn toàn có thể mở rộng và phát triển các vùng hoa này thành những vùng sản xuất áp dụng công nghệ cao.

Khi đô thị hóa mạnh, nhóm hoa chậu, hoa thảm được trồng trong các chậu, túi bầu 100% không cần dùng đất sẽ có xu hướng phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, còn có các nhóm hoa, cây ăn quả làm cảnh; nhóm cây cảnh phụ trợ; nhóm bon sai, cây thế, cây cảnh; nhóm hoa lan cũng có tiềm năng phát triển lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đặng Văn Đông cũng lưu ý trong phát triển sản xuất hoa, cây cảnh cần nắm bắt thông tin, thị trường.

Trước khi quyết định đầu tư, người sản xuất cần có những thông tin về nhu cầu thị trường, thực trạng sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp, giá thành sản xuất, đầu ra, đầu vào để từ đó xây dựng phương án kinh tế, dự tính hiệu quả sản xuất tính cả mức độ rủi ro rồi mới quyết định đầu tư.

Để sản xuất hoa, cây cảnh thành công, cần gắn kết với các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật và những người sản xuất kinh doanh có kinh nghiệm, từ đó có sự chia sẻ thông tin và hỗ trợ kịp thời đắc lực.

Theo ông Ma Quang Trung, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các chương trình phát triển ngành nông nghiệp để từ đó đề xuất những nội dung phù hợp với nhiệm vụ của hội; tiếp tục phát triển về tổ chức và hội viên, vững mạnh cùng với các hộ cá thể tham gia xây dựng nông thôn mới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng Hội nghiên cứu về giống, công nghệ kỹ thuật, cải tạo trong nước, trồng cây, nuôi cấy mô, công nghệ tiên tiến… ứng dụng vào sản phẩm.

Các nhà khoa học và các nhà kinh tế tại hội thảo cùng khẳng định, sinh vật cảnh đã trở thành một ngành hàng được ưu tiên phát triển trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp.

Sinh vật cảnh chính là một ngành theo chuỗi, là ngành sản ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật cao và có giá trị gia tăng cao. Phát triển bền vững tức là lồng ghép với vấn đề văn hoá và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ghi nhận những đóng góp của các tập thể và cá nhân của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có thành tích trong phát triển sinh vật cảnh gắn với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tặng bằng khen cho 11 tập thể và 23 cá nhân.

Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cũng đã vinh danh 167 nghệ nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015. Trung ương Hội cũng tri ân, tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển sinh vật cảnh Việt Nam cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số cán bộ./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục