Đưa vào sử dụng Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương giai đoạn 2

17:09' - 10/01/2018
BNEWS Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương bắt đầu triển khai từ tháng 1 l/2004, đến nay đã hoàn thành 2 giai đoạn với khối lượng mỗi ngày tiếp nhận 1.200 tấn rác sinh hoạt.

Ngày 10/1, tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương, phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã tổ chức khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng giai đoạn 2 của dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 180 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ODA Phần Lan gần 131 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của UBND tỉnh Bình Dương.

Sau 18 tháng khẩn trương thực hiện với quyết tâm mạnh mẽ của Công ty Cổ phần nước và môi trường Bình Dương (Biwase), công trình giai đoạn 2 của dự án đã hoàn thành trước thời hạn 4 tháng.

Giai đoạn II gồm các dự án: Tổ hợp phát điện chạy bằng khí Biogas thu hồi từ rác thải công suất 820KW; nâng gấp đôi công suất Nhà máy sản xuất phân vi sinh Compost từ rác lên 840 tấn/ngày; lò đốt rác thải nguy hại công suất 100 tấn/ngày. Dự án đã góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường của Bình Dương, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương bắt đầu triển khai từ tháng 1 l/2004, đến nay đã hoàn thành 2 giai đoạn với khối lượng mỗi ngày tiếp nhận 1.200 tấn rác sinh hoạt, 400 tấn rác công nghiệp, 200 tấn rác công nghiệp nguy hại và 3 tấn rác y tế.

Khi Khu Liên hợp hoàn thiện đầy đủ theo quy hoạch thì có khả năng tiếp nhận và xử lý mỗi ngày khoảng 3.000 tấn rác sinh hoạt và hơn 1.000 tấn rác công nghiệp các loại

Với nguồn vốn đầu tư có tổng giá trị tương đương 30,5 triệu USD và giá trị đất 100ha cho cả 2 giai đoạn thực hiện dự án, Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đã hoàn thành các hạng mục công nghệ tái chế, xử lý rác khá hiện đại.

Cụ thể, nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân compost với công suất 840 tấn/ngày; lò đốt rác công nghiệp và công nghiệp nguy hại với công suất 320 tấn/ngày; lò đốt rác y tế công suất 3 tấn/ngày; hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 1.000m3/ngày; xử lý nước thải công nghiệp 50m3/ngày; phát điện hơn 2.000 KWA; tái chế tro, bùn thải sản xuất gạch tự chèn công suất 2.000m2/ngày; tái chế bùn thải cấp nước công suất 100 tấn/ngày để sản xuất gạch xây dựng; các lò sấy bùn thải công nghiệp với công suất 100 tấn/ngày.

Các chuyên gia trong về lĩnh vực môi trường nhấn mạnh: Đây là khu Liên hợp xử lý chất thải hoàn hảo nhất ở Việt Nam tại thời điểm này. Do đó Bình Dương trở thành điểm sáng trên cả nước trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp một cách bài bản, quy mô và hiện đại.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương và đề nghị các địa phương, các ngành chức năng có liên quan cần phối hợp đẩy tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định và đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn.

Theo bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, bên cạnh mặt tích cực do quá trình đô thị hóa đem lại, các đô thịViệt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn trong lĩnh vực xử lý chất thải và vệ sinh môi trường. Bảo vệ môi trường đang được quan tâm ngày càng nhiều ở Việt Nam và thế giới.

Đây là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, hệ thống xử lý chất thải nói chung vẫn còn nhiều bật cập, chưa đáp ứng được các yêu cầu về kiểm soát môi trường. Ngoài ra, tỷ lệ chôn lâp chất thải rắn sinh hoạt trung bình cả nước khá cao chiếm 77,5% (trong đó, chôn lấp trực tiếp chiếm 71,1%, chôn lấp sau xử lý chỉ chiêm 6,4%).

Các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ chôn lấp trực tiếp là 62,4%, tỷ lệ rác được xử lý tập trung tại các cơ sở của cả nước là 28,9%, khu vực các tỉnh tỉnh Đông Nam Bộ là 37,6%. Phần lớn các khu xử lý đều chiếm diện tích đất lớn và có ảnh hưởng lớn tới môi trường vùng xung quanh.

Hiện nay, toàn quốc có 161 cơ sở đốt, trong đó có 22 cơ sở đốt công suất trên 100 tấn/ngày. Hầu hết các cơ sở đốt không có kế hoạch thu hồi năng lượng. Trong khi, kế hoạch thu hồi năng lượng từ nay đến năm 2020 của các cơ sở đốt là 2% cơ sở có thu hồi năng lượng để phát điện và 2% cấp nhiệt cho mục đích khác.

Do đó, dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương không chỉ góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm cho một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn hình thành công nghệ xử lý, tái chế rác hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên và tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội./.

>>>Đóng góp ý kiến cho Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về quản lý chất thải

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục