Đưa vốn tín dụng chính sách theo các chương trình tín dụng tiếp cận người dân

13:30' - 14/12/2023
BNEWS Không chỉ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số tại xã Sa Loong đã vươn lên làm giàu nhờ sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách theo các chương trình tín dụng tiếp cận với bà con. Nhờ đó, đời sống của người dân dần được cải thiện, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xã biên giới Sa Loong, huyện Ngọc Hồi là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao của tỉnh Kon Tum với 85%, chủ yếu là dân tộc Xê Đăng, Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xê Đăng), Mường…

Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp với các loại cây trồng như cà phê, cao su… Dù vậy, trước đây, do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, nên kinh tế của người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn.

 
Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm tới 34,1%. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân tại xã Sa Loong đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đăk Vang có 47 thành viên, với tổng dư nợ 2,8 tỷ đồng. Các thành viên vay vốn đều phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế hộ gia đình.  Từ 47 thành viên đều thuộc diện hộ nghèo thì đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đăk Vang hiện chỉ chỉ còn 18 hộ nghèo.

Không chỉ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số tại xã Sa Loong đã vươn lên làm giàu nhờ sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

Đại diện lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, riêng đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện đều được tiếp cận với tất cả các chương trình vay vốn tín dụng chính sách.

Các chính sách tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ đã tiếp sức cho bà con là người dân tộc thiểu số có vốn để đầu tư, ổn định chỗ ở. 

Đồng thời, còn giúp tạo việc làm, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để thoát nghèo bền vững, ổn định kinh tế gia đình, góp phần ngăn chặn tín dụng đen ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…

Thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách, các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy tinh thần tự lực, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, xây dựng thôn, làng, địa phương ngày càng giàu đẹp, ông Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục