Đức liệu có thể một mình chèo lái con thuyền châu Âu?

05:30' - 28/09/2017
BNEWS Trong cuộc bầu cử liên bang ngày 24/9, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy lần đầu tiên tiến vào và trở thành đảng lớn thứ 3 tại Quốc hội liên bang Đức với 95 ghế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây được cho là chiến thắng mang tính lịch sử đối với một đảng mới thành lập từ năm 2013, song lại trở thành thách thức đối với liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel, xuất phát từ những quan điểm khác biệt trong nhiều vấn đề của nước Đức.

Nghị sĩ châu Âu Elmar Brok thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức nhận định rằng hiếm có cuộc bầu cử nào tại Đức lại được trông đợi như lần này, và tình hình có vẻ khá giống như cuộc bầu cử Pháp cách đây vài tháng.

Thực tế là trong vòng gần hai năm qua, khi được hỏi về tương lai của Liên minh châu Âu (EU) hoặc phương án xử lý một hồ sơ đặc biệt nào đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu hầu như đều trả lời là họ chờ đợi lãnh đạo của Đức và Pháp phục hồi bộ đôi đầu tàu nổi tiếng của EU.

Không thể phủ nhận trong những năm vừa qua, bà Merkel được xem như là "bà chủ" quyền lực của châu Âu. Vậy liệu bà Merkel và nước Đức có phải thực sự là lãnh đạo châu Âu hay không.

Giáo sư Jean De Ruyt - đại diện của Bỉ tại EU - nhận định rằng bà Merkel không chỉ là một yếu tố quan trọng của cặp song mã Đức-Pháp mà còn là một hình mẫu mang tầm thế giới.

Để giải thích cho điều này, ông De Ruyt cho rằng đó là từ nhân cách của bà, khả năng tích hợp mọi dữ liệu của các vấn đề cùng với sự khéo léo trong phản ứng cho phép thúc đẩy công việc tiến triển nhanh chóng.

Bà Merkel chưa phạm phải sai lầm nào và là một người quản lý đặc biệt tốt. Trong một thế giới đầy bất ổn và xáo trộn, bà nổi lên là người có khả năng trấn an và đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn sự ổn định.

Tuy vậy, Alexander Mattelaer - một quan chức của Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia Egmont của Bỉ - lại nhận xét rằng bà Merkel sẽ không có được các thành quả như hôm nay nếu nước Đức không phải là một cỗ máy kinh tế siêu cường.

Tiến trình để Đức đạt được tầm lãnh đạo và trở thành trung tâm châu Âu là một chặng đường dài. Trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập, các thể chế chung được hình thành, trước tiên là để quản lý vấn đề của chính nước Đức.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, việc đồng tiền chung euro ra đời đã được cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand thảo luận như một cách thức để quản lý nước Đức thống nhất. Ba mươi năm sau, vị trí siêu cường kinh tế của Đức ngày càng được khẳng định, và điều này làm nên vai trò trụ cột châu Âu của nước này.

Nhà ngoại giao Bỉ Mattelaer cho rằng với thể chế như hiện nay, mô hình quản trị về chính trị và kinh tế của Đức là rất đáng tham khảo. Việc tổ chức châu Âu theo mô hình Đức được đánh dấu bởi sự chuyển đổi trong Hệ thống kinh tế và tiền tệ châu Âu (EMU) khi tạo ra đồng tiền chung euro, tiếp đó là việc thắt chặt quản trị ngân sách sau cuộc khủng hoảng nợ công.

Nhưng đó không phải là tất cả, ngay từ thời đồng mark của Đức, ngân hàng nhiều nước châu Âu đã học theo Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank. Theo đó, khi nước Đức dưới thời cựu Thủ tướng Gerhard Schroder tiến hành cải tổ thị trường việc làm, nhiều nước đã học hỏi và chuyển đổi mô hình xã hội của mình theo Đức.

Tuy nhiên, sự ổn định chính trị và thành công kinh tế bắt đầu phải đối mặt với nhiều thách thức từ các nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyp Erdogan hay Tổng thống Ba Lan Kaczynski.

Cùng với đó là các thách thức đến từ trong nước như vụ bê bối khí thải ô tô dieselgate, làn sóng thâu tóm doanh nghiệp công nghệ cao đến từ Trung Quốc hay tình trạng già hóa về dân số. Ngoài ra, các vấn đề về nhập cư và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cũng là những hiện tượng làm Đức "khó chịu". Đây cũng chính là những vấn đề mà nước Đức phải đối mặt hiện nay.

Dường như Đức không thể một mình chèo lái con thuyền châu Âu. Và thật đúng lúc, cử tri Pháp đã bầu ra một tổng thống trẻ tuổi sẵn sàng muốn tìm chỗ đứng của mình trong buồng lái con tàu châu Âu. Tổng thống Pháp Emanuel Macron có nhiều ưu thế để thành công, nhưng ông phải nắm được chính sách của Merkel. Và bà Merkel thì ý thức rằng sẽ phải có những nhượng bộ, nhất là về vấn đề tài chính.

Tuy nhiên, mọi người đều biết điều đó và ngay tại chiến dịch tranh cử của mình, ông Macron cũng đã khẳng định sự cần thiết phải hiểu rõ Thủ tướng Đức và người Đức, do vậy trước tiên ông sẽ phải chứng minh điều này. Cải tổ thị trường việc làm thực sự là một "tấm vé" để ông Macron bước vào cuộc đàm phán về một thỏa hiệp lớn Pháp-Đức làm nền móng cho tương lai châu Âu.

Câu hỏi thực sự là đến thời điểm nào Đức mới sẵn sàng đưa ra nhiều hơn để cho cấu trúc châu Âu theo mô hình Đức được các nước khác chấp nhận. Không chỉ có Pháp mong muốn làm Đức chuyển động, nhiều quốc gia khác cũng yêu cầu mở lại cuộc thảo luận về quản lý đồng euro.

Một số nước lại yêu cầu đoàn kết hơn nữa trong vấn đề tài chính. Với sức mạnh của Đức, sức mạnh của quyền lực kinh tế vĩ mô, một vài nước đồng minh với Đức trong khu vực đồng euro nhận định rằng cuộc cạnh tranh không phải luôn thuận lợi với họ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker vừa đưa ra lời kêu gọi các nước chưa phải là thành viên khu vực đồng euro (Eurozone) nỗ lực để gia nhập khối này, và Ba Lan đang là mắt xích lớn còn thiếu trong liên minh tiền tệ. Ba Lan không muốn gia nhập Eurozone bởi Đức chính là lãnh đạo khối này.

Giáo sư Jean De Ruyt đánh giá sự năng động sẽ được cấu tạo dọc theo trục Đức-Pháp, song sẽ có những giới hạn về những việc mà cặp đôi Pháp-Đức có thể quyết định. Giáo sư nhấn mạnh về sự nguy hiểm của sự rạn nứt Đông-Tây trong EU mà ông Macron có vẻ đang làm cho trầm trọng thêm.

Người ta có cảm giác nước Đức đang muốn dùng vị thế dung hòa của Bỉ để gây ảnh hưởng lên Tổng thống Pháp. Nhưng từ nay đến tháng 3/2019, Đức cần phải hành động, và cải tổ liên minh tiền tệ sẽ là phép thử đầu tiên đối với bà Merkel./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục