Đức sẽ sửa luật công nghiệp năng lượng để tiếp cận thị trường LNG

11:29' - 13/02/2019
BNEWS Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã trình bày dự thảo sửa đổi luật công nghiệp năng lượng tại một hội nghị về phát triển thị trường LNG với các đại diện của Mỹ.

Ngày 12/2, trong một động thái nhằm cho phép Đức nhanh chóng tiếp cận thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã trình bày dự thảo sửa đổi luật công nghiệp năng lượng tại một hội nghị về phát triển thị trường LNG với các đại diện của Mỹ.

Theo dự thảo, nhiệm vụ trọng tâm của chính sách năng lượng sẽ là tạo điều kiện cho việc cung cấp khí đốt và điện một cách đảm bảo, tiết kiệm chi phí và thích ứng với môi trường.

Bộ trưởng Altmaier cho biết các đơn vị điều hành mạng lưới đường dài sẽ phụ trách xây dựng đường ống giữa các trạm LNG và hệ thống truyền dẫn.

Có ít nhất hai địa điểm tại miền Bắc nước Đức được chọn để xây dựng các trạm cuối nhập khẩu LNG, khi hiện nay nước này vẫn chưa có trạm nhập khẩu nào. 

Ông Altmaier cũng nhấn mạnh Đức có thể mua LNG từ nhiều nhà cung cấp, từ đó đảm bảo được nguồn cung với giá cả cạnh tranh hơn, đồng thời tin rằng LNG sẽ cần được sử dụng nhiều hơn trong tương lai để đảm bảo nhu cầu trong thời kỳ chuyển tiếp.

Dự kiến, Đức sẽ loại bỏ năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022, đồng thời loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện sử dụng than cũng vào thời hạn đó. Bộ trưởng Kinh tế Đức nói thêm rằng nước này có lợi khi đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, giảm nhập khẩu từ Biển Bắc.

Về phần mình, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette cho rằng giá LNG dự kiến sẽ giảm đáng kể trong những năm tới do năng lực sản xuất của Mỹ cao hơn. Ông cũng một lần nữa nhắc lại sự phản đối của Mỹ đối với dự án đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 2 đưa trực tiếp khí đốt từ Nga tới Đức.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa "ông lớn" Gazprom của Nga với năm công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (muộn nhất vào cuối năm 2019), mỗi năm hệ thống đường ống dài 1.225 km này sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.

Các nước Đức, Thụy Điển, Áo và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này. Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan vì cho rằng dự án mang màu sắc chính trị.

Hôm 8/2 vừa qua, các nước thành viên EU đã thông qua thỏa thuận do Pháp và Đức đề xuất, theo đó cho phép Đức đóng vai trò là bên đàm phán chính với Nga về dự án trên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục