Đừng nên có tâm lý mắc COVID-19 nhiễm bệnh nhẹ, "ai rồi cũng trở thành F0"

16:13' - 01/03/2022
BNEWS Trong khi hầu hết mọi người cố gắng tránh mắc COVID-19, một số người có tâm lý "ai rồi cũng trở thành F0". Các chuyên gia khuyến cáo suy nghĩ đó có thể khiến số ca COVID-19 tăng cao và bệnh nặng.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, người mắc trong cộng đồng ngày càng tăng mạnh, một số người có tâm lý "ai rồi cũng thành F0" khiến cho việc phòng ngừa bệnh của họ ngày một chủ quan hơn.

Biến thể Omicron rất dễ lây lan đến mức nhiều người, kể cả đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng, bị nhiễm bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo suy nghĩ đó có thể khiến số ca COVID-19 tăng cao, kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ trên trang Sức khỏe & Đời sống, hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở Hà Nội đang chiếm khoảng 97%. Tuy nhiên, hàng ngày, Hà Nội vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nên người dân không nên có tâm lý nghĩ rằng "ai rồi cũng thành F0". Khi số ca COVID-19 tăng cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong cũng từ đó nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

"Tâm lý ai rồi cũng trở thành F0 rất nguy hiểm. Chúng ta thử đặt tình huống dù thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh diễn tiến nặng. Đó còn chưa kể đến trường hợp nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vaccine, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc COVID-19", ông Phu nhấn mạnh.

Hiện một số bộ phận người dân có tâm lý đã tiêm nhiều vaccine bệnh sẽ nhẹ, rồi buông xuôi, thả lỏng. Theo ông Phu, đây là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. Vaccine chỉ giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng chứ không hoàn toàn chống lại được SARS-CoV-2.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, quan điểm của nước ta là sống chung với dịch, nhưng sống chung thế nào cho an toàn phải tính toán hợp lý. Nếu buông xuôi, thả lỏng, nghĩ "ai rồi cũng thành F0" thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt.

Người dân nếu không may bị nhiễm bệnh cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều. Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần test COVID-19 tại nhà. Nếu dương tính, nên báo cho lực lượng y tế nơi mình cư trú để được tư vấn điều trị", ông Nga nói.

Trên thế giới, nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo về những luồng ý kiến xem nhẹ biến thể Omicron. Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Auckland (New Zealand), ông Rod Jackson kêu gọi người dân nước này không nên coi nhẹ làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron, và không nên nghĩ đó chỉ như là bệnh cúm mùa. Ông khẳng định việc cho rằng Omicron chỉ gây bệnh nhẹ như cúm là "không đúng". Ông viện dẫn tại Mỹ, số người tử vong vì Omicron đã vượt số ca tử vong vì Delta. Tỷ lệ tử vong vì Omicron tại Mỹ cao như vậy là vì biến thể này có khả năng lây nhiễm cao. Ông so sánh: "Virus lây lan như cháy rừng".

Trước đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định phải mất thời gian dài nữa đại dịch COVID-19 mới có thể kết thúc, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng biến thể Omicron không gây ra nguy cơ nào. Ông cũng cảnh báo không nên xem nhẹ biến thể Omicron vốn lây lan nhanh kể từ tháng 11/2021.

Để hạn chế tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội nên tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp dự phòng bằng việc xây dựng phương án phù hợp cho từng hoạt động như tổ chức dạy học trực tiếp ra sao; các lễ hội tổ chức thế nào. Song song với đó là củng cố thêm cho hệ thống y tế tuyến cơ sở, tránh tình trạng quá tải.

Ngoài ra, thành phố cũng cần tuyên truyền hơn nữa cho người dân về việc tuân thủ thông điệp 5K trong giai đoạn hiện nay.

"Nước ta đang thực hiện giai đoạn bình thường mới, từng bước nởi lỏng các hoạt động. Thay vì "Zero COVID-19", Việt Nam nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, quản lý rủi ro. Vì vậy, ý thức của người dân rất quan trọng, đóng vai trò rất lớn quyết định hiệu quả của công tác chống dịch. Nếu mỗi người đều tuân thủ 5K và nhắc nhở nhau thực hiện tốt việc này sẽ giúp cho dịch bệnh bớt nóng hơn, từ đó tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường", ông Phu nhận định.

Để bảo vệ mọi người khỏi COVID-19, làm chậm lây truyền và giảm khả năng xuất hiện các biến thể mới thì vaccine vẫn luôn được coi là biện pháp y tế công cộng tốt nhất. Vaccine COVID-19 có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

Các nhà khoa học hiện đang điều tra về Omicron, bao gồm cả việc những người được tiêm chủng đầy đủ được bảo vệ sẽ chống lại nhiễm trùng, nhập viện và tử vong như thế nào./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục