Đường hướng ngoại giao của chính quyền Trump có hiệu quả?

06:45' - 02/09/2017
BNEWS Trong 6 tháng cầm quyền đầu tiên, Chính quyền ông Donald Trump đã thảo luận để đưa ra chính sách ngoại giao quan trọng, song quá trình này dường như lại bị phá hủy bởi chính nhà lãnh đạo cao nhất.
Đường hướng ngoại giao của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thật sự hiệu quả? Ảnh: Reuters

Theo Diễn đàn Đông Á, có rất ít chuyên gia phân tích ở Mỹ hoặc Đông Á tiên liệu được tốc độ chính quyền Mỹ Donald Trump sẽ tung một quả bóng phá hoại cơ chế quan hệ phức tạp và lâu dài của Mỹ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Đường hướng” chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump chỉ là những tuyên bố mang tính hăm dọa trên trang mạng xã hội twitter như thề trút “hỏa lực và cơn giận dữ mà thế giới chưa từng chứng kiến” vào Triều Tiên. Chính sách đối ngoại và khu vực châu Á-Thái Bình Dương không giành được sự ưu tiên cao như trước đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia HR McMaster đang cố gắng thúc đẩy sự gắn kết của chính sách đối ngoại. Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại đã từ chối tham gia chính quyền của Trump, khiến nhiều cơ quan chủ chốt và các đại sứ quán khuyết nhiều vị trí cấp cao.

Trong khi đó, chính quyền Trump còn có kế hoạch cắt giảm 30% ngân sách của Bộ Ngoại giao. Các chuyên gia của Mỹ và khu vực Đông Á cảm thấy lo lắng về sự bảo đảm tiếp tục can dự của Washington vào khu vực này. Tính đến đầu tháng 6 vừa qua, Mỹ đã 28 lần trấn an Nhật Bản về cam kết quốc phòng của mình.

Thay vào đó, Nhà Trắng đã dành ưu tiên cho biểu ngữ bài ngoại “nước Mỹ trên hết”. Ba ngày sau khi nhậm chức, ông Trump đã ban hành sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quyết định này đã phá vỡ kỳ vọng của 11 quốc gia còn lại sau nhiều năm đàm phán phức tạp.

Tiếp theo đó, ông Trump thông báo rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu trong một nỗ lực để “trả nợ” cho sự ủng hộ của các công ty khai thác khí đốt, dầu mỏ và than đá; và những người chống chủ nghĩa đa phương.

Chưa hết, chính quyền Trump đã hạ thấp ưu tiên đối với khu vực Đông Á, xếp sau cả mục tiêu đánh bại cái gọi là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và cải thiện quan hệ với Nga. Điều này đã phá vỡ sự ưu tiên của chính quyền Obama đối với khu vực châu Á thông qua chính sách “tái cân bằng”, mối quan tâm đến Đông Nam Á, sự ủng hộ chủ nghĩa đa phương, và chính sách vừa hợp tác vừa ngăn chặn một Trung Quốc đang nổi lên trong khu vực.

Giờ đây, khu vực Đông Nam Á bị phớt lờ; chủ nghĩa đa phương bị khinh miệt; Trung Quốc bị đe dọa bằng một cuộc chiến thương mại và Triều Tiên bị “thách thức” bởi những tuyên bố ngẫu hứng không có sự sự thống nhất mang tính chiến lược.

Thậm chí, đáng lo ngại hơn là các "đòn thương mại" gây hoang mang của chính quyền mới nhằm vào các đồng minh lâu đời như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, cũng như những thách thức đối với Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Trung Quốc đã làm chủ cuộc chơi. Vào tháng 1/2017, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bảo vệ tự do thương mại trong bối cảnh Mỹ hướng tới chính sách bảo vệ thương mại trong nước.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã làm tương tự với vấn đề biến đổi khí hậu. Trung Quốc đã đảo ngược sự thân thiện ban đầu của Trump đối với chính quyền Đài Loan bằng cách nói rõ rằng sẽ không có hội nghị thượng đỉnh nếu Mỹ không ủng hộ nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc vội vã thông qua hàng chục hồ sơ yêu cầu cấp chứng nhận thương hiệu Trump vốn bị đình trệ một thời gian dài trong khi con gái Tổng thống Trump, Ivanka Trump, cũng nhận được sự chấp thuận tương tự cho chuỗi thương hiệu quần áo của mình.

Tiền của Trung Quốc đã đổ vào các căn hộ, khách sạn và cơ sở dịch vụ của Trump. Hệ lụy của việc này là sự gia tăng rõ ràng sự ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Washington khiến các nước trong khu vực cảm thấy bất an.

Cuối cùng, sức mạnh mềm của Mỹ cũng tan biến. Những nguyên tắc lâu đời của giá trị dân chủ và nhân quyền đã biến mất khỏi các tuyên bố chính sách đối ngoại của Mỹ, thay vào đó là những lời bợ đỡ "trơ trẽn" cho những kẻ độc tài từ Trung Đông cho đến Philippines, Nga.

Theo kết quả thăm dò dư luận mà hãng Pew công bố hồi tháng 6 năm 2017, hình ảnh của nước Mỹ đã suy yếu kể từ khi chính quyền Obama hết nhiệm kỳ. Sự ủng hộ cách xử lý các vấn đề thế giới của Mỹ đã giảm mạnh ở các nước Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sau 6 tháng cầm quyền, chính quyền Trump đã làm đảo lộn các mối quan hệ đối tác trong khu vực tồn tại 70 năm qua. Những đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực châu Á chỉ nhận được sự hỗ trợ quân sự nghèo nàn còn các nước Đông Nam Á thì bị "bỏ rơi".

Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vốn đã mạnh giờ lại càng mạnh thêm. Trong khi đó, sự yếu kém về năng lực của chính quyền Mỹ làm gia tăng rủi ro của những tính toán sai lầm với các nước thù địch như Triều Tiên./.

Xem thêm:

>> Fitch Ratings: Nhiều bang nước Mỹ chịu thiệt hại nặng nếu NAFTA đổ vỡ

>> Mỹ để ngỏ khả năng rút khỏi NAFTA

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục