Bài trắc nghiệm đối với Tổng thống Donald Trump trong tái đàm phán NAFTA

05:30' - 25/08/2017
BNEWS Mỹ, Mexico và Canada đã mở các cuộc đàm phán để cải cách Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - vốn là mục tiêu bị tấn công trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.
Các quan chức của Mỹ, Canada và Mexico tại lễ khai mạc vòng tái đàm phán NAFTA đầu tiên ở Washington, Mỹ ngày 16/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan đến vấn đề này, bài “Thương mại: Trump và nguyên tắc thực tế” nhấn mạnh đến sự tương phản giữa những tuyên bố dữ dội của Tổng thống Mỹ nhằm chống lại các chế độ CHDCND Triều Tiên và Venezuela cùng với thái độ "mềm mại hơn" của ông Trump đối với một số hiệp định thương mại lớn.

Các nhà đàm phán sẽ gặp nhau nhiều lần để cố gắng đề ra những cải cách và hoàn tất tái đàm phán NAFTA, hiệp định mà ba nước này đã ký kết vào năm 1994, trước cuối năm 2017. Nếu kéo dài sang năm 2018, có lo ngại rằng tiến trình thương lượng có thể phức tạp hơn do cuộc bầu cử Tổng thống ở Mexico và cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ.

Đối với Mexico, Bộ trưởng Kinh tế nước này Ildefonso Guajardo Villarreal nói rằng: “Tôi vẫn nói các nhà thương thuyết không thể bi quan, họ phải thực tế và có một lối tiếp cận tích cực”.

Nói với các nhà báo với điều kiện giấu tên, một giới chức thương mại Mỹ cho biết Washington đang tìm kiếm một “hiệp định thương mại mới cân bằng và đối xứng hơn, có thể hỗ trợ việc làm lương cao cho người Mỹ và phát triển nền kinh tế”.

Về phía Canada, Ngoại trưởng nước này Chrystia Freeland hôm 14/8 đã đưa ra danh sách những ưu tiên của Ottawa trong tiến trình đàm phán lại NAFTA. Trước hết, các bên cần xây dựng chương mới về các tiêu chuẩn lao động, xác định mục tiêu cho các quy tắc lao động khắc nghiệt hơn như gia tăng tiền lương ở Mexico để khiến các nhà sản xuất ô tô ở Mỹ và Canada có thể cạnh tranh tốt hơn.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng cần được quan tâm để đảm bảo không quốc gia nào bị thụt lùi trong lĩnh vực này nhằm thu hút đầu tư. Tiếp đến là việc tập trung xây dựng các chương về quyền liên quan đến giới, quyền của thổ dân bản địa.

Việc cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư cũng cần được ưu tiên. Bà Freeland đề cập đến Chương 11 của NAFTA về cơ chế các công ty có thể đệ đơn kiện các chính phủ. Canada muốn cải cách cơ chế này để "các chính phủ có quyền không thể chối bỏ trong việc điều chỉnh lợi ích công".

Quy định này không được nhầm lẫn với Chương 19, quy định về tranh cãi giữa các công ty liên quan đến hoạt động phá giá và chống bán phá giá giống như các trường hợp tranh cãi về gỗ xẻ mềm mà chính quyền Mỹ đang tìm cách loại bỏ.

Cùng với đó, bà Freeland cũng nhấn mạnh vào hoạt động mở rộng mua sắm công và tạo điều kiện qua lại biên giới cho các chuyên gia. Từ nhiều năm nay, Canada muốn huỷ bỏ các quy tắc mua hàng Mỹ được áp dụng với các dự án xây dựng ở cấp tiểu bang và địa phương. Tuy nhiên, đây có thể sẽ là một nội dung khó khăn.

Các nhà lập pháp Mỹ đang đòi áp dụng thêm các quy tắc trong vấn đề mua hàng Mỹ, điều Tổng thống Trump cũng đã vận động. Tuy nhiên theo bà Freeland, "các điều khoản về nội dung địa phương trong các hợp đồng lớn của chính phủ chỉ là món ăn vặt trong chính trị: hấp dẫn bề ngoài nhưng không lành mạnh về lâu dài".

Hệ thống quản lý cung của ngành sữa và chăn nuôi gia cầm Canada cần được ưu tiên. Canada không áp dụng thương mại tự do với hai ngành này, và có các quy định về giá cũng như nhập khẩu.

Ngoài ra, Canada muốn duy trì cơ chế bảo vệ trong hiệp định cũ đối với các ngành công nghiệp văn hoá như xuất bản và truyền thông. Báo cáo thường niên của Mỹ về các rào cản thương mại quốc tế cho rằng cần loại bỏ điều này.

Cuối cùng, bà Freeland đề xuất duy trì cơ chế điều chỉnh các tranh chấp thương mại về chống bán phá giá và chống trợ cấp, giống như vụ kiện đối với mặt hàng gỗ xẻ mềm của Canada hiện nay.

Khi đề cập đến điều này, bà Freeland nhắc lại ý Canada từng rút khỏi các cuộc đàm phán hồi năm 1987 khi các bên không chấp nhận cơ chế này. Trước đó, Mỹ tuyên bố muốn loại bỏ Chương 19. Một số nhà quan sát cho rằng có thể chương này sẽ được sửa đổi trong quá trình đàm phán lại NAFTA.

Tổng thống Donald Trump từng lên án NAFTA là "thỏa thuận tồi tệ nhất" mà Mỹ từng ký. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở một khía cạnh khác, theo Les Echos, nhìn chung, bất chấp các bất đồng, hiệp định NAFTA “rất có lợi” cho các bên, kể cả Mỹ.

Khu vực tự do thương mại Bắc Mỹ ra đời năm 1994, đã mang lại hàng triệu việc làm mới, dù thâm hụt ngày càng lớn về phía Mỹ trong trao đổi mậu dịch với Mexico, các doanh nghiệp Mỹ đã lợi dụng được hoàn cảnh này để cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh.

Đối với nước Mỹ, lợi thế của thị trường Bắc Mỹ là trái ngược với thế bất lợi của các ngành ô tô và dệt may của Mỹ trước các đối thủ châu Á. Chính vì vậy, ông Trump hy vọng tìm được một thoả thuận có lợi cho cả ba quốc gia Bắc Mỹ, bằng cách điều chỉnh những lĩnh vực bị coi là “mất cân bằng nhất”.

Cụ thể là “làm đồng bộ các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường” - chủ đề vắng mặt trong NAFTA, hay trừng phạt mạnh hơn đối với các vi phạm sở hữu trí tuệ.

Theo Les Echos, việc đạt được nhanh chóng một thỏa thuận như vậy không phải là dễ, một mặt vì có nhiều vấn đề mới, chưa được đặt ra vào thời NAFTA ra đời, như buôn bán trên mạng, mặt khác là “hơn bao giờ hết” Tổng thống Mỹ có xu hướng muốn đạt được “những kết quả gây ấn tượng”, để cải thiện hình ảnh trước mắt công chúng, trong bối cảnh cho đến nay ông Trump vẫn chưa thực hiện được cam kết nào đã hứa với cử tri.

Một bài viết khác của Les Echos về chủ đề này nhấn mạnh là nhìn chung đối với khu vực Bắc Mỹ, thỏa thuận thương mại này làm tăng gấp ba tổng trao đổi mậu dịch giữa ba thành viên. Theo Phòng Thương mại Mỹ, 14 triệu việc làm tại Mỹ phụ thuộc vào hai nước láng giềng.

NAFTA là khu vực thương mại đứng đầu thế giới về GDP, giúp cho vùng Bắc Mỹ duy trì được khả năng cạnh tranh trước châu Á. Đạt được thỏa thuận là một trắc nghiệm quan trọng không chỉ với Tổng thống Mỹ, mà cả với hai người đồng nhiệm đến từ Canada và Mexico.

Les Echos có bài điểm lại một loạt những lĩnh vực mà Mỹ “hưởng lợi lớn” nhờ NAFTA, như dệt may, nông nghiệp, thương mại điện tử hay ô tô. Ô tô là một trong lĩnh vực nhạy cảm nhất. Hiện tại, có đến 40% các bộ phận của ô tô đến từ Mexico, và 40% xe ô tô sản xuất tại Mỹ xuất sang hai láng giềng Bắc Mỹ.

Theo trung tâm nghiên cứu về ô tô Center for Automotive Research, nếu không có NAFTA, nhiều mảng lớn của ngành này sẽ bị chuyển sang các quốc gia có lương thấp như ở châu Á, Đông Âu hay Nam Mỹ. Rời khỏi NAFTA, hơn 30.000 việc làm bị đe dọa, đặc biệt tại tiểu bang Michigan, nơi cử tri bầu nhiều cho ông Trump.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục