Đường sắt Hà Nội- Lào Cai: Mở ra cơ hội phát triển cho Hưng Yên và vùng lân cận

10:25' - 15/02/2025
BNEWS Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến được hoàn thành vào năm 2030. Tuyến đường chạy qua 9 tỉnh, thành phố sẽ mở ra cơ hội phát triển cho Hưng Yên và vùng lân cận.
Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến được hoàn thành vào năm 2030. Tuyến đường chạy qua 9 tỉnh, thành phố, trong đó có đoạn đi qua tỉnh Hưng Yên dài khoảng 20km.

Là người luôn quan tâm theo dõi các thông tin liên quan đến dự án tuyến đường sắt này, ông Phạm Anh Quân, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên thông tin: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về Dự án Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã giao các đơn vị chuyên môn, Ủy ban nhân dân huyện Văn Lâm, Ủy ban nhân dân thị xã Mỹ Hào đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị tư vấn tích cực tham gia về hướng tuyến, ga và các công trình liên quan đến quy hoạch, hiện trạng của địa phương; đảm bảo thời gian triển khai.

Cụ thể, đối với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Hưng Yên, có điểm đầu tại khu vực xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm; điểm cuối xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào; tuyến có chiều dài 17.07km (huyện Văn Lâm dài 12,37km, thị xã Mỹ Hào dài 4,7km); trên tuyến thiết kế xây dựng ga hỗn hợp thuộc xã Đại Đồng (Văn Lâm) với quy mô dự kiến 10,6ha (khách và hàng). Giai đoạn 1, xây dựng đường sắt đơn 1.435mm, giai đoạn hoàn chỉnh đường sắt đôi khổ 1.435mm. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 1 khoảng là 64,3ha; giai đoạn hoàn thiện là 72,5ha.

 
Ông Phạm Anh Quân bày tỏ vui mừng khi tỉnh Hưng Yên có tuyến đường sắt liên vận quốc tế đi qua. Để phát huy lợi thế có tuyến đường sắt này, ông Quân cho biết, tỉnh đã sớm có quy hoạch 1 cảng cạn tại xã Đại Đồng, gần với khu ga kể trên, sau này có thể kết nối phát huy hiệu quả của tuyến đường sắt mang lại. Đặc biệt, ông Quân cho rằng, khi tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa bàn tỉnh Hưng Yên được hoàn thành, kết hợp với Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho huyện Văn Lâm và cả tỉnh Hưng Yên. Bởi, huyện Văn Lâm cũng như các địa phương lân cận như: Mỹ Hào, Yên Mỹ có nhiều khu cụm công nghiệp, nhà máy xí nghiệp đóng chân nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Hưng Yên đi Hải Phòng và ngược lại rất lớn. Hiện, doanh nghiệp ở các địa phương trên chỉ có phương thức vận chuyển duy nhất là bằng đường bộ. Nếu tuyến đường sắt này hình thành sớm, sẽ cung cấp thêm một loại hình vận chuyển mới, giá rẻ để các doanh nghiệp có thể lựa chọn theo nhu cầu.

“Công tác quy hoạch hạ tầng khung xã hội cần được tỉnh và Trung ương đặc biệt quan tâm, triển khai sớm để khi tuyến đường hoàn thành có thể phát huy được hiệu quả ngay”, ông Phạm Anh Quân nói và nhấn mạnh thêm: Tiềm năng rất lớn được tạo ra từ tuyến đường sắt không chỉ cho tỉnh Hưng Yên mà cả vùng nên cần chú trọng tới quy hoạch để tạo ra được “bức tranh đẹp” phát huy được vị trí, tầm quan trọng của tuyến đường thời gian tới.

Xác định hạ tầng giao thông là “đòn bẩy” cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cho rằng Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa bàn tỉnh tạo ra một lợi thế đặc biệt, ông Phạm Anh Quân mong muốn Trung ương sớm triển khai các quy trình đầu tư để dự án có thể về đích nhanh hơn so với dự kiến.

Điểm qua một số tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh có vai trò kết nối vùng (như: Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài; Dự án đường kết nối ĐT.387 với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng...), ông Phạm Anh Quân nhìn nhận, khi các tuyến đường trên kết hợp với Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tạo cơ hội mở ra tiềm năng lớn cho Hưng Yên phát triển công nghiệp và đô thị.

Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa cấp bách, vừa chiến lược, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn để dự án khởi công và hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2030. Dù đất nước ta phát triển đường sắt cao tốc có chậm hơn so với các nước châu Á nhưng với sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm; điều hành linh hoạt, hiệu quả “chỉ bàn làm không bàn lùi” của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, tin tưởng rằng, dự án sẽ được Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm triển khai sớm đáp ứng mong đợi của nhân dân cả nước.

Với góc nhìn của mình, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên mong các cấp có thẩm quyền trong quá trình triển khai dự án cũng thận trọng để lựa chọn công nghệ thích hợp. Cùng với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt, đối với hướng tuyến chạy qua tỉnh Hưng Yên, ông Phạm Anh Quân cũng đề xuất, các cấp có phương án tối ưu về hướng tuyến, hạn chế tối đa đi qua khu dân cư và quỹ đất ở, hạn chế đền bù giải phóng mặt bằng, gây nguy cơ đội vốn cũng như ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân địa phương hiện hữu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục