ECB tăng cường rót vốn và mua tài sản nhưng không hạ lãi suất

22:02' - 12/03/2020
BNEWS Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/3 đã “nối gót” ngân hàng trung ương nhiều nước lớn khác với một loạt các biện pháp nhằm xoa dịu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Quang cảnh bên ngoài trụ sở của ECB tại thành phố Frankfurt am Main, miền trung Đức. Ảnh AFP/TTXVN

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/3 đã “nối gót” ngân hàng trung ương nhiều nước lớn khác với một loạt các biện pháp nhằm xoa dịu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có việc tăng cường chương trình mua trái phiếu và các khoản cho vay giá rẻ cho các ngân hàng thương mại. Nhưng ECB lại khiến thị trường bất ngờ với quyết định giữ nguyên lãi suất.

ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức -0,5% nhằm kích thích vay đầu tư thay vì giữ tiền trong ngân hàng. Trước đó, các nhà đầu tư kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm 10 điểm cơ bản nhằm kích thích nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong bối cảnh có những quan ngại về nguy cơ nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái. Ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng đã phải cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế của hai nước này.

Một phát ngôn viên của ECB cho biết dù không cắt giảm lãi suất, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này đã nhất trí cung cấp một đợt tín dụng giá rẻ mới cho các ngân hàng thương mại, còn được biết đến là nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn (LTRO) "nhằm hỗ trợ lập tức cho hệ thống tài chính của Eurozone”. ECB cũng nới lỏng các điều kiện đối với chương trình LTRO hiện tại nhằm hỗ trợ cho những ngân hàng cấp vốn vay cho các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, ECB sẽ bổ sung thêm 120 tỷ euro (135 tỷ USD) cho chương trình mua tài sản trong năm nay bên cạnh khoản 20 tỷ euro/tháng hiện tại. ECB cho biết kế hoạch “nới lỏng định lượng” (QE) này sẽ bao gồm “một sự đóng góp mạnh mẽ từ khu vực tư nhân”, vì khả năng mua trái phiếu chính phủ nhưng vẫn phải tuân thủ các giới hạn do ECB tự đặt ra đã trở nên eo hẹp.

Các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế cuar Eurozone có thể giảm xuống conf 1,2% trong năm 2020 khi việc làm bị giảm, trong khi các hộ gia đình phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu và đi lại.

Thị trường đã lập tức có phản ứng với quyết định trên của ECB. Tại thị trường chứng khoán Frankfurt, chỉ số DAX đã mất 10,7%, xuống 9.308 điểm, trong khi chỉ số EuroStoxx50 cũng sụt 11,4% giá trị, xuống còn 2.574 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục