EPIC cảnh báo hệ quả của tình trạng ô nhiễm không khí ở Ấn Độ

14:32' - 01/09/2021
BNEWS Một báo cáo của Viện Chính sách năng lượng thuộc Đại học Chicago (EPIC), Mỹ, công bố ngày 1/9 cho biết ô nhiễm không khí có thể làm giảm hơn 9 năm tuổi thọ của khoảng 40% người Ấn Độ.

Theo báo cáo, hơn 480 triệu người dân sinh sống tại những vùng rộng lớn ở miền Trung, Đông và Bắc Ấn Độ, trong đó có thủ đô New Delhi đang hít thở bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề.

Điều đáng báo động là mức độ ô nhiễm không khí nặng ở Ấn Độ đã gia tăng ở cấp độ địa lý. Ví dụ, chất lượng không khí đã xấu đi nghiêm trọng nhiều tại bang miền Tây Maharashtra và bang miền Trung Madhya Pradesh.

Đề cập tới chương trình “Không khí sạch quốc gia” (NCAP) được Chính phủ Ấn Độ bắt đầu xúc tiến năm 2019 nhằm kiềm chế mức độ ô nhiễm nguy hiểm tại hơn 100 thành phố của nước này, báo cáo của EPIC cho rằng, việc đạt được và duy trì các mục tiêu của NCAP sẽ giúp làm tăng 1,7 năm tuổi thọ của người dân Ấn Độ nói chung và tăng 3,1 năm tuổi thọ của người dân thủ đô New Delhi nói riêng.

NCAP đặt mục tiêu cắt giảm từ 20-30% mức độ ô nhiễm tại 102 thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào năm 2024 bằng cách giảm lượng khí thải công nghiệp và khí thải từ các phương tiện giao thông, đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt về nhiên liệu giao thông, hoạt động đốt rơm rạ trong nông nghiệp và giảm ô nhiễm bụi. Kế hoạch cũng nhằm nâng cấp và tăng cường hệ thống giám sát chất lượng không khí.

Theo IQAir, một tổ chức của Thụy Sỹ thực hiện nghiên cứu đo đạc chất lượng không khí dựa vào nồng độ các hạt có hại cho phổi trong không khí, gọi là bụi mịn PM2.5, năm 2020 là năm thứ ba liên tiếp New Delhi bị xếp là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.

Trong năm 2020, 20 triệu cư dân thành phố đã hít thở trong bầu không khí độc hại vào mùa Đông do khói mù từ hoạt động đốt rơm rạ tăng mạnh ở hai bang lân cận là Punjab và Haryana.

Báo cáo của EPIC cũng cho thấy Bangladesh, nước láng giềng của Ấn Độ có thể tăng tuổi thọ trung bình của người dân nước này thêm 5,4 năm nếu tiến hành cải thiện chất lượng không khí lên đến mức theo đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục