EU dự kiến đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga theo từng bước

13:15' - 02/05/2022
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) sẽ đề xuất một lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga theo từng bước như một phần của đợt trừng phạt mới nhằm vào Moskva liên quan tới chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Hãng tin AFP dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết Ủy ban châu Âu (EC) hiện đang chuẩn bị văn bản dự thảo lệnh cấm trên và có thể gửi cho các nước thành viên sớm nhất là vào ngày 4/5.

 

Một số nhà ngoại giao cho biết lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga có thể thực hiện được sau cú đảo ngược chính sách của Đức, nước từng phản đối cho rằng điều này quá rắc rối và có khả năng gây tổn hại cho nền kinh tế Đức.

Theo các nguồn tin này, để xoa dịu những hoài nghi, EC sẽ đề xuất áp dụng lệnh cấm trên trong vòng từ 6-8 tháng, tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thời gian đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ.

Lệnh cấm trên vẫn cần sự nhất trí của các quốc gia thành viên EU để được thông qua. Tuy nhiên, Hungary dự kiến sẽ phản đối mạnh mẽ do nước này phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga và có mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin.

Các quốc gia khác cũng lo ngại rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga sẽ làm tăng giá cả, khi giá tiêu dùng đang tăng mạnh do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.

EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Moskva - bao gồm lĩnh vực dầu mỏ của Nga, các ngân hàng Nga và Belarus, cũng như thêm nhiều cá nhân và doanh nghiệp liên quan.

Trước đó, các quan chức ngoại giao EU cho rằng một số quốc gia thành viên có khả năng chấm dứt sử dụng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga muộn nhất là vào cuối năm nay, nhưng các nước khác, đặc biệt là các quốc gia nằm ở khu vực Nam Âu, lo ngại về tác động của lệnh cấm vận đối với giá năng lượng.

Đức - một trong những nước mua dầu mỏ nhiều nhất của Nga - dường như sẵn sàng chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm 2022, song các quốc gia khác như Áo, Hungary, Italy và Slovakia vẫn có sự e dè.

Lệnh cấm vận dầu mỏ được coi là biện pháp trừng phạt quan trọng nhất trong gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga.

Bên cạnh đó, gói cũng sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, vốn chiếm 37% hoạt động ngân hàng của Nga, cũng như các biện pháp bổ sung đối với những quan chức cấp cao của Nga.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây cáo buộc hơn 300 tỷ USD, phần lớn trong số đó là tiền thanh toán cho việc giao nhận dầu mỏ và khí đốt, đã bị "đánh cắp" khi các nước phương Tây tịch thu số tiền dùng để trả cho khí đốt của Nga.

Theo ông Lavrov, các hợp đồng được ký trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine quy định các khoản thanh toán bằng USD và euro. Các khoản thanh toán này được chuyển trực tiếp vào tài khoản của tập đoàn dầu khí Nga Gazprom và được giữ lại trong các ngân hàng phương Tây.

Do đó, Nga đã quyết định yêu cầu thanh toán việc mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble để ngăn chặn xảy ra tình trạng trên.

Nhằm đáp trả những phản ứng gay gắt của phương Tây đối với việc Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố khách hàng từ “các quốc gia không thân thiện” sẽ phải thanh toán khí đốt mua của Nga bằng đồng ruble.

Các nước EU và các công ty khí đốt của châu Âu đã từ chối yêu cầu trên vì cho rằng việc thay đổi phương thức thanh toán sẽ vi phạm các hợp đồng đã ký kết. Về phía các nhà cung cấp khí đốt của Nga, việc thanh toán bằng đồng ruble sẽ giúp tăng đáng kể doanh thu. Nga đã phát triển và cung cấp cho các khách hàng một hệ thống thanh toán mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục