Rystad Energy: Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể giảm 1,4 triệu thùng/ngày

08:49' - 23/04/2022
BNEWS Theo Rystad Energy, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm 1,4 triệu thùng/ngày, xuống dưới các mức cao nhất trong nhiều năm được thiết lập vào năm 2019.

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn báo cáo mới nhất của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định cuộc xung đột Nga-Ukraine, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại nền kinh tế lớn thứ thế là Trung Quốc, cũng như tình trạng lạm phát gia tăng sẽ làm giảm nhu cầu dâu mỏ toàn cầu và điều này có thể khiến giá dầu hạ nhiệt.

 

Theo báo cáo của Rystad Energy, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm 1,4 triệu thùng/ngày, xuống dưới các mức cao nhất trong nhiều năm được thiết lập vào năm 2019.

Rystad Energy cũng cho rằng nhu cầu khó có khả năng phục hồi ít nhất cho tới năm 2023.

Dự báo mới nhất của Rystad Energy cho thấy nhu cầu dầu trung bình hằng năm của thế giới chỉ ở mức 99,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch là 100,2 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào năm 2019.

Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách bộ phận phân tích của Rystad Energy, ông Claudio Galimberti cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 hoặc các vấn đề địa chính trị có thể khiến đà tăng trưởng kinh tế giảm nữa, qua đó gây thêm áp lực suy giảm về nhu cầu.

Giá dầu mỏ thế giới đã tăng vọt trước tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Giá dầu Brent đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm tới nay.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, đang nỗ lực đưa thêm nguồn cung ra thị trường theo giai đoạn từng tháng.

OPEC+ sẽ bơm thêm 432.000 thùng/ngày ra thị trường trong tháng 5/2022.

Theo ông Galimberti, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine có thể tiếp tục làm gia tăng giá hàng hóa, nhất là dầu mỏ và khí đốt, đặc biệt nếu châu Âu quyết định cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Ông Galimberti nhấn mạnh: "Kịch bản tồi tệ nhất đối với nhu cầu dầu mỏ do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine là giá dầu Brent có thể tăng lên 180 USD/thùng vào quý IV/2022. Điều này sẽ khiến kinh tế suy giảm hơn nữa và phá hủy toàn bộ nhu cầu dầu toàn cầu"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục