EU hỗ trợ ASEAN trong kiểm soát di cư và quản lý biên giới

11:26' - 21/10/2015
BNEWS Đây là giai đoạn tiếp theo của hoạt động hợp tác giữa ASEAN và EU sau thành công của dự án thí điểm mở rộng mạng lưới Interpol quốc gia được thực hiện ở Campuchia và Việt Nam hoàn thành năm 2012.

Lễ khai mạc Chương trình hợp tác EU-ASEAN về Di cư và Quản lý biên giới giai đoạn II (EA-MBMP) vừa diễn ra tại Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Sau lễ khai mạc, hội thảo về vấn đề này sẽ tiếp tục đến hết ngày 22/10 với sự tham gia của đại diện các nước thành viên ASEAN, đại diện các phái đoàn thường trực các nước tại ASEAN, Interpol (Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế) của châu Âu,...

Dự án này nhằm tăng cường mạng lưới và hợp tác khu vực giữa các cơ quan quản lý biên giới của các nước thành viên ASEAN. Đây cũng là một xu hướng mới để cải thiện sự hợp tác mở rộng giữa các cơ quan nhập cư trong khu vực ASEAN. 

Phát biểu tại phiên khai mạc, Giám đốc Interpol Michael O’Connell nhấn mạnh: “ASEAN đang tái khẳng định vai trò trung tâm khu vực thông qua tiến trình xây dựng cộng đồng và nỗ lực hội nhập quốc tế. ASEAN cũng đang tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài. Để hiện thực hóa nguyện vọng một cộng đồng chung, tự do đi lại trong khu vực, ASEAN cần phải có khả năng để đối phó với các thách thức an ninh mới”. 

Ông Bùi Chí Phương, Cục Đối ngoại Bộ Công An, Trưởng đoàn Việt Nam tham gia chương trình, cho biết Việt Nam là một thành viên tích cực tham gia chương trình từ giai đoạn đầu và sẽ tiếp tục cam kết thực hiện hiệu quả giai đoạn II của dự án.

Trong chương trình này, EU sẽ hỗ trợ cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam nâng cao năng lực về kiểm soát di cư nội khối hay công tác xuất nhập cảnh của các công dân trong những nước ASEAN, đồng thời đảm bảo an ninh trong kiểm soát biên giới. 

Thông qua chương trình này, các cơ quan di trú trong khu vực ASEAN đã thiết lập các chương trình theo Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác trong xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, mỗi quốc gia thành viên ASEAN có trách nhiệm tạo ra sự cân bằng giữa việc tạo thuận lợi cho xuất nhập cảnh và đảm bảo an ninh biên giới trong khu vực. Sau khi cân đối hiệu quả, tất cả các nước thành viên ASEAN sẽ xem xét để củng cố các chính sách và các quy định phù hợp. 

Trong một diễn biến có liên quan, theo số liệu do Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố, năm 2014, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cấp 2,3 triệu thẻ cư trú mới cho các công dân ngoài khối, giảm 2,2% so với năm 2013 và 9% so với năm 2008. 

Những người tới cư trú tại châu Âu chủ yếu là công dân Ukraine, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Những người được cấp thẻ cư trú mới trong EU với những lý do như đoàn tụ gia đình (29,5%), làm việc (24,8%) hay học tập (20,7%). Cùng với Ba Lan, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, Anh là quốc gia cấp nhiều thẻ cư trú nhất trong năm 2014 với 567.800 thẻ (chiếm 24,6% trong tổng số). 

Quyên-Hiệp-Giang (P/v TTXVN tại Jakarta, Brussels)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục