Evergrande: Khi đoàn tàu trật bánh
Trong những ngày giữa năm 2021, thông tin tập đoàn bất động sản Chia Evergrande Group của Trung Quốc đối mặt với tình trạng vỡ nợ đã khiến giới đầu tư lo lắng.
Ngay lập tức, những quan ngại rằng sự sụp đổ của Evergrande sẽ gây chấn động thị trường bất động sản Trung Quốc và tạo ra hiệu ứng domino, khiến các nhà phát triển bất động sản khác lâm vào tình trạng nợ nần và khó khăn, đã xuất hiện.
Mặc dù mới đây nhất, ngày 10/9, cơ quan quản lý Trung Quốc đã thông qua đề xuất của Evergrande về việc đàm phán lại thời hạn thanh toán với các ngân hàng và chủ nợ để kéo dài thời gian khi nhà phát triển bất động sản này phải vật lộn với khoản nợ lên đến hơn 300 tỷ USD. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tỏ ra lo lắng về tương lai của một đầu tàu từng được mệnh danh là đế chế bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
* Mô hình đế chế đa ngành nghề
Evergrande được tỷ phú Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) thành lập vào năm 1996 với cái tên ban đầu là Hengda Group tại thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc.
Từ thuở sơ khai, Hengda Group (nay là Evergrande) hoạt động kinh doanh trong các mảng chính là phát triển bất động sản, đầu tư bất động sản, quản lý bất động sản và các mảng khác. Những sản phẩm của Evergrande chủ yếu dành cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Trung Quốc.
Evergrande xuất hiện vào đúng giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc. Lúc này, quá trình đô thị hoá được đẩy nhanh đã biến Evergrande trở thành trung tâm quyền lực của nền kinh tế được định hướng phát triển dựa vào bất động sản.
Với những thành tựu ban đầu, đến tháng 10/2009, Evergrande huy động được 722 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong.
Cùng với xu thế phát triển nóng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc như Evergrande và Dalian Wanda đã lựa chọn một bước đi đột phá là đa dạng hoá nguồn thu để tránh phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản.
Thông qua các chi nhánh công ty con, tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn “lấn sân” sang các lĩnh vực sản xuất nước khoáng đóng chai, sản xuất ô tô xe điện và thậm chí có một thời gian tham gia chăn nuôi, nông sản.
Năm 2010, Evergrande mua lại câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu Hằng Đại Đào Bảo và gặt hái được nhiều danh hiệu lớn. Đội bóng đã chiêu mộ được những ngôi sao như danh thủ Jackson Martinez hay José Paulo Bezerra Maciel Júnior và huấn luyện viên Marcelo Lippi. Dưới thời huấn luyện viên này, họ đã giành chức vô địch AFC Champions League 2013.
Đến năm 2017, cũng là thời hoàng kim, giá cổ phiếu của Evergrande, lợi nhuận và doanh thu, lần lượt tăng gấp 3-4 lần về giá trị, đưa nhà sáng lập Hứa Gia Ấn trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc, đồng thời là một trong những người giàu nhất châu Á.
* Con dao hai lưỡi
Mặc dù vậy, với cấu trúc dày đặc các ngành nghề đặc thù, cũng là dễ hiểu khi các hoạt động của Evergrande dần trở nên “ngổn ngang” và khó kiểm soát.
Người sáng lập tỷ phú của tập đoàn này ông Hứa Gia Ấn là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một nhóm ưu tú gồm các cố vấn có mối quan hệ chính trị tốt. Đây có lẽ là điều giúp các chủ nợ tin tưởng hơn và tiếp tục cho Evergrande vay tiền khi công ty này phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Tuy nhiên, cuối cùng, Evergrande đã phải gánh nhiều khoản nợ hơn mức có thể trả.
Những rắc rối của Evergrande đã đến vào thời điểm tồi tệ nhất có thể. Những quy định mới về lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc hạn chế ngân hàng tạo các khoản cho vay mới cho những chủ đầu tư mắc nợ. Điều này buộc Evergrande phải bán bớt một số mảng kinh doanh rộng lớn của mình để trả nợ.
Trong khi đó, các công ty ủy thác, vốn chiếm khoảng 40% các khoản cho vay, đang tỏ ra lo ngại về hoạt động của Evergrande. Tập đoàn này cũng có khoản vay ủy thác trị giá 1,7 tỷ USD sẽ đến hạn thanh toán trong quý hiện tại.
Những tác động trở nên tiêu cực hơn khi thị trường nhà ở Trung Quốc “hạ nhiệt” tăng trưởng đã khiến việc thanh lý tài sản trở nên khó khăn hơn. Theo số liệu từ Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Bắc Kinh, sự bùng nổ của thị trường bất động sản đã có dấu hiệu đảo chiều khi chứng kiến nhu cầu yếu dần và tăng trưởng doanh số chậm lại. Doanh số theo hợp đồng của Evergrande đã giảm hơn 25% trong tháng 8/2021 và việc giảm giá bán đã không thể thúc đẩy nhu cầu thị trường.
Ngày nay, Evergrande được coi là mối đe dọa của các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn này đối mặt với các vụ kiện từ các khách hàng vẫn chưa được nhận nhà mặc dù họ đã thanh toán một phần, trong khi các nhà cung cấp và chủ nợ của Evergrande cũng yêu cầu tập đoàn chi trả các hóa đơn chưa thanh toán với giá trị lên đến hàng trăm tỷ USD. Một số thậm chí đã đình chỉ xây dựng các dự án của tập đoàn Trung Quốc.
Phần lớn tiền mặt mà Evergrande thu được đến từ các căn hộ bán trước chưa hoàn thiện. Theo hãng nghiên cứu REDD Intelligence, Evergrande có gần 800 dự án đang dang dở trên khắp Trung Quốc và khoảng 1,2 triệu người vẫn đang chờ đợi để chuyển đến nhà mới của họ.
* Có hay không một hiệu ứng domino?
Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến phiên 9/9 đã đình chỉ giao dịch trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ (NDT) đáo hạn tháng 1/2023 của Evergrande vì giá loại trái phiếu này lao dốc tới 20%. Sau khi được nối lại giao dịch, giá tiếp tục giảm hơn 30%, dẫn tới đợt “đóng băng” lần thứ hai trong cùng phiên.
Kết thúc phiên 9/9, trái phiếu của Evergrande giảm 32% xuống mức thấp kỷ lục là 34 NDT/trái phiếu. Hai trái phiếu định giá theo đồng nội tệ Trung Quốc khác của Evergrande cũng bị tạm dừng giao dịch trong phiên này.
Một số chuyên gia cho rằng các chiến dịch của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC, ngân hàng nhân dân) nhằm kiềm chế sự phình to của các khoản nợ tài sản và sự kết nối của hệ thống ngân hàng với các nhà phát triển bất động sản khó khăn có nghĩa là thất bại của Evergrande không ảnh hưởng nhiều đến hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế có thể phức tạp hơn. Một số chuyên gia cho rằng nếu Evergrande lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, "nỗi đau" đó sẽ lan ra toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, làm tổn thương các nhà thầu và nhà cung cấp, cũng như người mua nhà, vốn đã trả các khoản tiền đặt cọc lớn cho hàng nghìn căn hộ chưa hoàn thiện.
Sự hoảng sợ của giới nhà đầu tư và người mua nhà có thể tràn vào thị trường bất động sản tạo ra sự mất giá, ảnh hưởng đến tài sản và niềm tin thị trường của các hộ gia đình.
Diễn biến này cũng có thể làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, khiến các công ty Trung Quốc khác khó có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Viết trên tờ Financial Times tuần trước, nhà đầu tư tỷ phú George Soros đã cảnh báo rằng vụ vỡ nợ của Evergrande nếu có thậm chí có thể khiến kinh tế Trung Quốc sụp đổ.
Chen Zhiwu, Giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, cho biết thất bại của Evergrande có thể dẫn đến khủng hoảng tín dụng cho toàn bộ nền kinh tế khi các tổ chức tài chính trở nên e ngại rủi ro hơn. Ông nói thêm rằng thất bại của Evergrande "không phải là tin tốt cho hệ thống tài chính và nền kinh tế nói chung".
Mặc dù vậy ở một góc nhìn lạc quan hơn, Bruce Pang, một chuyên gia kinh tế học tại tổ chức tài chính China Renaissance Securities, cho biết vụ vỡ nợ này nếu xảy ra có thể tạo cơ sở cho một một nền kinh tế lành mạnh hơn trong tương lai.
Ông Pang cho rằng nếu Evergrande thất bại, niềm tin về khái niệm “quá lớn để thất bại” tại Trung Quốc sẽ phai nhạt, bất chấp những đau đớn và sự gián đoạn trong ngắn hạn.
Tin liên quan
-
Tài chính & Ngân hàng
Kịch bản Evergrande vỡ nợ ảnh hưởng thế nào tới các thị trường?
19:13' - 10/09/2021
China Evergrande - tập đoàn mắc nợ nhiều nhất của Trung Quốc mới đây đã phải thừa nhận rằng họ có thể vỡ nợ đối với một số khoản vay của mình.
-
Chuyển động DN
Giới chức Trung Quốc cho phép Evergrande đàm phán lại thời hạn thanh toán nợ
13:45' - 10/09/2021
Theo các nguồn thạo tin, các cơ quan quản lý Trung Quốc thông qua đề xuất của China Evergrande Group về việc đàm phán lại thời hạn thanh toán với các ngân hàng và chủ nợ khác.
-
Chứng khoán
“Biến động” Evergrande làm chao đảo thị trường trái phiếu
12:20' - 10/09/2021
Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến phiên 9/9 đã đình chỉ giao dịch trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ đáo hạn tháng 1/2023 của Evergrande vì giá loại trái phiếu này lao dốc tới 20%.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.