“Biến động” Evergrande làm chao đảo thị trường trái phiếu

12:20' - 10/09/2021
BNEWS Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến phiên 9/9 đã đình chỉ giao dịch trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ đáo hạn tháng 1/2023 của Evergrande vì giá loại trái phiếu này lao dốc tới 20%.

Theo giới quan sát, những biến động gần đây của trái phiếu tập đoàn bất động sản China Evergrande Group cho thấy mức độ rủi ro khi giao dịch các tài sản được rao bán nhưng thường ở mức giá thấp vì người sở hữu buộc phải bán chúng (stressed assets) trên thị trường nội địa của quốc gia này.
Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến phiên 9/9 đã đình chỉ giao dịch trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ đáo hạn tháng 1/2023 của Evergrande vì giá loại trái phiếu này lao dốc tới 20%.

Sau khi được nối lại giao dịch, giá loại trái phiếu trên tiếp tục giảm hơn 30%, dẫn tới đợt “đóng băng” lần thứ hai trong cùng phiên.
Kết thúc phiên 9/9, trái phiếu của Evergrande giảm 32% xuống mức thấp kỷ lục là 34 NDT/trái phiếu. Hai trái phiếu định giá theo đồng nội tệ Trung Quốc khác của Evergrande cũng bị tạm dừng giao dịch trong phiên này.
Những diễn biến trên xảy ra khi trái phiếu phát hành trong nước của Evergrande đã lao dốc trong tuần qua, cùng với sự sụt giảm của trái phiếu định giá bằng đồng USD của tập đoàn.
Thị trường tín dụng nội địa non trẻ của Trung Quốc đang có một nhóm trái phiếu được rao bán nhưng thường ở mức giá thấp vì người sở hữu buộc phải bán chúng với số lượng ngày càng tăng. Nhưng không có nhiều nhà đầu tư muốn mua chúng.
Điều đó khiến người sở hữu trái phiếu phải đối mặt nhiều rủi ro, vì thiếu thanh khoản khiến họ khó có thể giảm bớt lượng nắm giữ ở nhịp độ phù hợp.

Diễn biến chật vật của trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ của Evergrande – với giá trái phiếu đáo hạn tháng 1/2023 đã tuột dốc từ mức 74 NDT/trái phiếu xuống 34 NDT/trái phiếu chỉ trong hơn một tuần - đồng nghĩa là người mua có thể phải chấp nhận khoản lỗ nặng khi họ bán đi.
Theo các nhà giao dịch Trung Quốc, những nhà đầu tư thuộc các quỹ thu nhập cố định muốn bán đi trái phiếu trong nước của Evergrande đang vật lộn để tìm người mua trong hai tuần qua.

Một nhà môi giới cho biết ông chưa giao dịch trái phiếu nào của Evergrande trong tuần này vì không nhận được bất cứ lời đề nghị nào.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư tổ chức không có yêu cầu hoặc mong muốn mua trái phiếu có lợi suất cao tương đương, những trái phiếu được đánh giá hạng AA hoặc thấp hơn bởi các nhà xếp hạng tín nhiệm Trung Quốc. Những trái phiếu như vậy thường được các quỹ tư nhân mua vào– với khách hàng của họ phải là những người mua “đủ tiêu chuẩn” và chấp nhận được rủi ro lớn.
Theo giới quan sát, sự lao dốc trong giá trái phiếu trong nước của Evergrande có thể tác động đến nhiều nhà đầu tư hơn.

Kịch bản này có khả năng thành sự thật nếu lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Evergrande dẫn đến việc bán tháo trái phiếu của nhiều nhà phát triển bất động sản khác, vốn bị đánh giá thấp hơn.

Ví dụ được đưa ra là những lo ngại về Công ty TNHH Guangzhou R&F Properties đã lan sang thị trường trái phiếu trong nước Trung Quốc trong tuần này.

Trái phiếu phát hành bằng đồng NDT đáo hạn năm 2022 của công ty đã bị tạm dừng giao dịch sau khi giá giảm hơn 20% vào ngày 6/9 xuống mức thấp kỷ lục mới.
Giới quan sát nhận định, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tính thanh khoản và thu hút nhiều vốn hơn vào thị trường tín dụng nội địa trong những năm gần đây.

Đó là cải tổ các công ty xếp hạng tín dụng nội địa và đưa ra những định giá rủi ro tốt hơn bằng cách cho phép nhiều vụ vỡ nợ hơn.

Tuy nhiên, những tiến triển vẫn còn hạn chế, trong khi tình trạng đáng lo ngại của Evergrande không chỉ tác động tới mình tập đoàn này mà còn có khả năng kéo theo hàng loạt những công ty khác cùng đi xuống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục