EVFTA sẽ được phê chuẩn và đưa vào thực thi từ giữa năm 2019

08:25' - 22/12/2018
BNEWS Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng của hai bên đối tác, thể hiện sự gắn kết với chủ nghĩa đa phương và sự phát triển.

Lời khẳng định đã được Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc hội thảo về tăng cường quan hệ đối tác kinh tế Việt Nam – Pháp thông qua EVFTA, ngày 20/12 tại Paris.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, được tổ chức tại Tòa thị chính quận 5 dưới sự bảo trợ của Hội Hữu nghị Pháp – Việt (AAFV), Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) và tổ chức Foyer Vietnam, hội thảo đã thu hút khoảng 100 người tham gia.

Các diễn giả gồm các nhà sử học, chính trị gia, chuyên gia về kinh tế và luật tại Pháp đã trình bày những nghiên cứu và nhận định về triển vọng phát triển hợp tác song phương.

Cuộc thảo luận đã diễn ra sôi nổi với sự điều hành của ông Pierre Journoud, giáo sư sử học tại Đại học Paul-Valéry Montpellier 3.

Theo bà Catherine Deroche, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp – Việt Nam tại Thượng viện, sau khi nhận được sự bảo lãnh của Nghị viện châu Âu, EVFTA sẽ được phê chuẩn và đưa vào thực thi từ giữa năm 2019.

Hiệp định này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho hai nước Pháp và Việt Nam phát triển các lĩnh vực tiềm năng, đồng thời gửi thông điệp của Pháp sẵn sàng hợp tác với Đông Nam Á, một khu vực tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất thế giới và đang tìm kiếm các đối tác mới.

Bà Deroche nhấn mạnh rằng Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp – Việt Nam tại Thượng viện sẽ nỗ lực vận động để EVFTA sớm được phê chuẩn.

Trong khi đó, bà Laurence Daziano, nhà kinh tế học và giảng viên tại Đại học Science-Po Paris, khẳng định Việt Nam là sự lựa chọn chiến lược của Liên minh châu Âu (EU), dựa trên 5 tiêu chí đánh giá. Về quy mô dân số, Việt Nam có điểm mạnh về lực lượng lao động trẻ và được đào tạo tốt.

Về tăng trưởng kinh tế, Việt Nam là nền kinh tế thứ 6 tại châu Á với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 191,5 tỷ USD.

Về tỷ lệ đô thị hóa, dân số thành thị của Việt Nam đã tăng nhanh và đạt 34% tổng dân số quốc gia vào năm 2015, so với 15% năm 1990.

Nhu cầu xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng vì thế cũng tăng lên nhanh chóng. Cuối cùng, nhờ sự ổn định chính trị và chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý, Việt Nam đã thăng tiến trong bảng xếp hạng Doing Business về môi trường đầu tư các nước.

Bà Daziano cho rằng EU phải phát triển quan hệ thương mại với các nền kinh tế mới nổi quan trọng, trong đó có Việt Nam, để tiếp tục khẳng định vai trò và sức mạnh kinh tế của mình trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt từ các thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Các đại biểu tham dự hội thảo nhất trí rằng EVFTA góp phần hiện đại hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan cũng như các quy định về trao đổi hàng hóa.

Hiệp định đem lại cho các nước châu Âu nhiều thuận lợi liên quan đến giảm thuế, nhất là đối với các ngành sản xuất ôtô, rượu vang và rượu mạnh, đến việc công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý và áp dụng những tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường.

Giới doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam. Nhờ vị trí chiến lược tại châu Á và Đông Nam Á, Việt Nam là một cánh cửa vào thị trường rộng lớn 600 triệu người tiêu dùng đối với các sản phẩm chất lượng cao của Pháp.

Việt Nam và Pháp đang nỗ lực để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế song phương. Pháp đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư châu Âu với tổng mức vốn đầu tư 3,4 tỷ USD tại Việt Nam.

Gần 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam đã tạo ra 26.000 việc làm. Nhiều hoạt động hợp tác cụ thể đã được thực hiện trong năm 2018 nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm đối tác chiến lược.

Trong đó quan trọng nhất là chuyến thăm chính thức Pháp vào tháng 3/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2018 của Thủ tướng Pháp Edouart Philippe.

Trong năm 2019, mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục được thúc đẩy thông qua Hội nghị hợp tác phi tập trung lần thứ 11, dự kiến sẽ diễn ra đầu tháng 4 tại thành phố Toulouse./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục