EVN cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại doanh nghiệp

11:35' - 17/07/2020
BNEWS Đến hết năm 2019, EVN đã hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3), còn lại 2 Tổng công ty phát điện 1, 2; đã công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa EVNGENCO2...
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK, ngày 17/7/2017 về “Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2020”, Đảng ủy Tập đoàn đã Ban hành Nghị quyết xây dựng chương trình hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện hoàn thành Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020. Đến nay, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại doanh nghiệp trong Đề án đề ra.
Trước đó, EVN đã hoàn thành toàn bộ nội dung Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012-2015. Cụ thể, Tập đoàn đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành nghề kinh doanh chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản để tập trung vào lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất kinh doanh điện năng và tư vấn điện.
Triển khai thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020, Tập đoàn đã hoàn thành rà soát, xây dựng, ban hành hệ thống Quy chế quản lý nội bộ để áp dụng trong toàn Tập đoàn. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực quản trị.
Đến nay, Tập đoàn đã thực sự cải cách, đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ, tăng cường báo cáo điện tử và cập nhật số liệu trong các phần mềm dùng chung, rà soát, biểu mẫu hóa các loại báo cáo....; Áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình quản lý điều hành ở tất cả các lĩnh vực…
Đặc biệt, EVN nỗ lực triển khai cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Theo đó, đến hết năm 2019, EVN đã hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3), còn lại 2 Tổng công ty phát điện 1, 2 đã thực hiện các thủ tục như: đã phê duyệt xong phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất, kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa; đã công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa EVNGENCO2, EVN phấn đấu đảm bảo tiến độ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2015-2016, EVN đã hoàn thành thoái vốn với giá trị 1.024 tỷ đồng, thu về 1.063,87 tỷ đồng, thặng dư 41,32 tỷ đồng. Theo Quyết định số 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 – 2020, EVN đã thực hiện thoái vốn tại 4/6 doanh nghiệp, thu về 588,2 tỷ đồng, thặng dư 151,5 tỷ đồng.
Đánh giá của EVN cho thấy, công tác đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp và sau khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, năng lực quản trị doanh nghiệp của Tập đoàn và các đơn vị đã từng bước nâng cao, góp phần tinh gọn bộ máy tổ chức, định biên lao động được quản lý chặt chẽ, hợp lý, giảm chi phí thường xuyên. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn có lãi, đảm bảo tài chính lành mạnh, bảo toàn được vốn nhà nước.
Mặc dù vậy, công tác cổ phần hóa, thoái vốn của Tập đoàn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Quá trình thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa phải điều chỉnh theo nhiều văn bản, quy định của Nhà nước. Việc cổ phẩn hóa doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào quyết định của các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong giai đoạn 5 năm tới (2021-2025), EVN sẽ xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới Tập đoàn và các đơn vị giai đoạn 2021-2025 trình Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với việc đổi mới quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại và theo các chuẩn mực quốc tế; Tập đoàn tiếp tục thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp trong danh mục nhà nước không cần giữ 100% vốn; từng bước thoái vốn tại các công ty cổ phần phát điện đã hoạt động ổn định, không bắt buộc phải nắm cổ phần chi phối để huy động vốn trả nợ vay hoặc cho các dự án đầu tư mới.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo lành mạnh tình hình tài chính của Tập đoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn; thực hiện các giải pháp về tài chính, giá điện để tiến tới cân bằng tài chính bền vững, kinh doanh có lợi nhuận.
Song song với đó, Tập đoàn còn phát triển Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị thành viên trở thành các doanh nghiệp có tín nhiệm tài chính cao để giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện, tự huy động vốn và giảm dần bảo lãnh của Chính phủ. Mặt khác, tăng cường hiện đại hóa hệ thống quản trị tài chính; thực hiện nghiêm túc các giải pháp kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; cơ cấu lại đầu tư tài chính, cơ cấu lại các khoản vay. Ngoài ra, EVN cũng nghiên cứu phương án kiểm soát và hạn chế rủi ro trong vay nợ nước ngoài bằng ngoại tệ; duy trì, phát triển hợp tác với các tổ chức tài chính đa phương và song phương góp phần thu xếp vốn cho các dự án điện./.

>>>Thêm hơn 51.000 hộ dân ở địa bàn khó khăn có điện lưới quốc gia


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục