EVN tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số

21:39' - 25/12/2022
BNEWS EVN tham gia cung cấp chia sẻ thông tin, dữ liệu với các nền tảng số quốc gia, CSDL quốc gia trong các lĩnh vực khác như tài nguyên, môi trường.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong năm qua, tập đoàn đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Với nỗ lực góp phần xây dựng Chính phủ số, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, quá trình chuyển đổi số tại EVN được thực hiện với quyết tâm rất cao. Sau 2 năm EVN triển khai Đề án tổng thể Chuyển đổi số, đến ngày 30/11/2022, kết quả thực hiện của toàn EVN đạt trên 92% kế hoạch đề ra, hết năm 2022 ước đạt 98% kế hoạch. Trong đó lĩnh vực Quản trị nội bộ hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số là 99,85%, lĩnh vực đầu tư xây dựng hoàn thành 100%, lĩnh vực sản xuất đạt 91%, lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng đạt 100%.

EVN đã đạt được một số kết quả nhất định trong chuyển đổi số. Năm 2022, đã ra mắt hệ sinh thái số EVNConnect với mục tiêu tăng cường kết nối với các nền tảng chuyển đổi số của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các đối tác để khai thác tối đa nguồn dữ liệu chung của quốc gia và cung cấp dịch vụ điện trên các nền tảng số này.

Chuyển đổi số trong EVN giúp khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ điện "mọi lúc, mọi nơi" thông qua môi trường số và đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Các dịch vụ điện được cung cấp theo phương thức điện tử đã mang lại hiệu quả thiết thực như: giúp người dân/khách hàng thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại; không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy. Việc EVN cung cấp các dịch vụ điện qua các ứng dụng chăm sóc khách hàng (App), các trang thông tin điện tử (website) và qua các mạng xã hội đã tăng cường tiện ích, tính công khai, minh bạch trong sử dụng điện của khách hàng.

Báo cáo từ EVN cho hay, năm 2022, tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 99,15% (vượt 1,25% so với kế hoạch), tương ứng với khoảng 13,5 triệu trang hồ sơ điện tử khi thực hiện ký 960.000 hợp đồng mua bán điện mới và khoảng gần 1,2 triệu yêu cầu thay đổi các nội dung trong hợp đồng đã ký. Trong đó, các hồ sơ trước đây khách hàng phải cung cấp CMTND/CCCD, sổ hộ khẩu, số tạm trú đã được thay thế bằng thông tin thông qua CSDL Dân cư.

Trong những năm qua, EVN đã nỗ lực giảm thời gian cung cấp điện đến khách hàng kể từ khi tiếp nhận yêu cầu. Năm 2022 bình quân thời gian cấp điện mới qua lưới trung áp là 2,79 ngày (giảm 0,27 ngày so với năm 2021), cấp điện mới qua lưới hạ áp cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố, thị xã, thị trấn là 2,3 ngày; tại khu vực nông thôn là 2,62 ngày; cấp cho khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,59 ngày.

Năng suất lao động bình quân năm 2022 của toàn EVN ước đạt 2,83 triệu kWh/người, tăng 7,15% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Chuyển đổi số là một quá trình thay đổi của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khách hàng. Trong thời gian tới, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, EVN sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: triển khai diện rộng trong toàn tập đoàn các sáng kiến số đã thành công trong giai đoạn 2021 – 2022, khuyến khích CBCNV luôn "Đổi mới, sáng tạo", chủ động nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới đem lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động. EVN cũng sẽ mở rộng kết nối hệ sinh thái EVNConnect với các bộ/ngành/địa phương và các tổ chức cung cấp dịch vụ số nhằm tăng thêm nhiều tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Đồng thời, EVN tham gia cung cấp chia sẻ thông tin, dữ liệu với các nền tảng số quốc gia, CSDL quốc gia trong các lĩnh vực khác như tài nguyên, môi trường. EVN cũng sẽ không ngừng học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số thành công từ doanh nghiệp năng lượng tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu, lựa chọn đưa vào áp dụng trong thực tiễn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục