Eximbank chịu trách nhiệm thế nào khi bán cổ phiếu STB dưới giá tối thiểu?

15:27' - 08/04/2022
BNEWS Để đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, Eximbank phải bán ra cổ phiếu STB để giảm sở hữu xuống dưới 5%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 này, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) dự kiến trình cổ đông thông qua báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB).

Trong đó, Eximbank lý giải việc bán 22,8 triệu cổ phiếu STB dù dưới giá tối thiểu 13.000 đồng, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu thoái vốn và có lãi.

 

Cụ thể, vào thời điểm trước tháng 11/2017, Eximbank sở hữu hơn 165 triệu cổ phiếu STB, tương đương 8,76% vốn điều lệ và là cổ đông lớn của Sacombank.

Để đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, Eximbank phải bán ra cổ phiếu STB để giảm sở hữu xuống dưới 5%.

Trên cơ sở đó, Eximbank đã thực hiện bán cổ phiếu STB theo phương thức bán khớp lệnh trực tiếp trên sàn HoSE gồm hai lô: Lô 142,4 triệu cổ phiếu STB bán giá bình quân 14.279 đồng/cổ phiếu và lô hơn 22,8 triệu cổ phiếu còn lại được bán với giá 12.700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức tối thiểu 13.000 đồng đã được Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt.

Tại tờ trình cổ đông, Eximbank cho biết, việc giao dịch hơn 22,8 triệu cổ phiếu STB có giá dưới 13.000 đồng/cổ phiếu tuy không đáp ứng được văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, nhưng đảm bảo được mục tiêu thoái vốn của Eximbank tại Sacombank và có lãi. Bởi trong tổng số hơn 165,2 triệu cổ phiếu bán ra, giá bình quân vẫn đạt 14.064 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức tối thiểu và thu về hơn 2.323 tỷ đồng. Được biết, giá vốn của khoản đầu tư là hơn 1.672 tỷ đồng và sau khi trừ phí giao dịch Eximbank vẫn lãi 647,6 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 5/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu Eximbank báo cáo đầy đủ việc chuyển nhượng cổ phiếu STB dưới giá 13.000 đồng/cổ phiếu dẫn tới làm giảm thu nhập của ngân hàng tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất để Đại hội có ý kiến.

Tuy nhiên, trong suốt 4 năm qua Eximbank nhiều lần tổ chức Đại hội cổ đông nhưng đều bất thành. Đến tháng 2/2022, Eximbank mới tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, nhưng điều đáng nói là nội dung liên quan tới việc chuyển nhượng cổ phiếu STB như trên không được Eximbank nhắc tới.

Trong văn bản yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, nếu Đại hội đồng cổ đông thống nhất thông qua, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành Eximbank phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự đề xuất xử lý đối với tổ chức và cá nhân có liên quan.

Trường hợp Đại hội đồng cổ đông thường niên Eximbank không thông qua hoặc yêu cầu xem xét trách nhiệm, ngân hàng phải xác định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền hơn 6,3 tỷ đồng (chưa gồm thuế, phí).

Ngoài ra, ngân hàng cũng phải xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những thiệt hại, tổn thất gây ra cho ngân hàng (nếu có).

Cũng trong phiên Đại hội đồng cổ đông thường niên tới đây Eximbank dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch tổng tài sản sẽ tăng 7,9%, đạt 179.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi năm ngoái, đạt 2.500 tỷ đồng. Huy động vốn dự kiến tăng 7,4% và tín dụng tăng 10%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng không quá 1,7%.

Eximbank cũng có tờ trình về chủ trương xây dựng trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP Hồ Chí Minh với nguồn vốn đầu tư tự có./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục