Facebook sẵn sàng với Đạo luật bảo mật người tiêu dùng tại California

14:10' - 13/12/2019
BNEWS Facebook đã sẵn sàng với Đạo luật bảo mật người tiêu dùng sẽ bắt đầu có hiệu lực tại bang California (Mỹ) vào đầu năm sau.
Facebook sẵn sàng với Đạo luật bảo mật người tiêu dùng. Ảnh: AFP/TTXVN 

Theo đó, Đạo luật bảo mật người tiêu dùng (CCPA) sẽ cung cấp cho người dùng Internet quyền biết dữ liệu mà các công ty công nghệ thu thập về họ là gì và dữ liệu này được chia sẻ tới ai.

 Trong một bài đăng trên trang chủ của mình, mạng xã hội lớn nhất thế giới này thông báo rằng trong một vài tuần tới, CCPA sẽ chính thức có hiệu lực và đạo luật này sẽ mở rộng quyền dữ liệu riêng tư tới người dân California. 

Vào tháng 1/2020, Facebook sẽ đưa ra thông báo giải thích các thay đổi chính sách dữ liệu được thực hiện theo các yêu cầu CCPA và cách mọi người có thể thực hiện các quyền của mình theo luật.

CCPA được ký thành luật vào tháng 6/2018 bởi chính quyền bang California và các công ty công nghệ đã có hơn 1 năm để sẵn sàng cho CCPA. 

Facebook cho biết, mặc dù cách tốt nhất để đảm bảo quyền riêng tư nhất quán cho mọi người trên khắp nước Mỹ đó là cần phải có một đạo luật liên bang, song họ hoàn toàn ủng hộ CCPA của California.

Đạo luật CCPA của California được liên hệ với Bộ luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) vốn được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ 5/2018 của Liên minh châu Âu (EU).

Khi bắt đầu có hiệu lực, CCPA sẽ áp dụng đối với các doanh nghiệp có tổng doanh thu hơn 25 triệu USD cũng như các công ty kiếm được nhiều hơn 50% doanh thu bán dữ liệu tiêu dùng của họ.

Việc CCPA bắt đầu chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020 được coi là động lực để thúc đẩy các bang khác tại nước Mỹ ban hành một đạo luật tương tự.

Cùng ngày 12/12, Facebook cũng công bố cam kết dành 130 triệu USD cho việc thành lập và duy trì hoạt động Hội đồng giám sát độc lập (Hội đồng quản trị) trong 6 năm.

Hội đồng này tương tự như một tòa án tối cao chuyên giám sát một số quyết định kiểm duyệt nội dung khó khăn nhất.

Quyết định của Hội đồng quản trị sẽ có giá trị ràng buộc và là quyết định cuối cùng ngay cả khi người đứng đầu Facebook là Mark Zuckerberg không đồng ý.

Quyết định thành lập Hội đồng giám sát độc lập được coi là một nỗ lực của Facebook nhằm đối phó với những chỉ trích của các nhà lập pháp, truyền thông và nhóm vận động về những nội dung trên mạng xã hội của Facebook cũng như tính minh bạch xung quanh việc ra quyết định của tập đoàn. 

Hiện các thành viên của Hội đồng này vẫn chưa được Facebook tiết lộ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục