FAO khuyến cáo cảnh giác cao độ với dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam

21:58' - 21/03/2019
BNEWS Báo Việt Nam News (TTXVN) đã phỏng vấn Tiến sĩ Albert T.Lieberg, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam về kế hoạch phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Minh Quang đi khảo sát các hộ gia đình chăn nuôi lợn gần vùng dịch chỉ đạo các biện pháp chăm sóc, bảo vệ nhằm tránh lây nhiễm bệnh. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN 

Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã lan rộng ra 20 tỉnh thành trên cả nước với gần 25.000 con lợn bị tiêu hủy, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan đến các trang trại ở miền Nam - vùng chăn nuôi lợn lớn nhất tại Việt Nam.

Báo Việt Nam News (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Albert T.Lieberg, Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam về kế hoạch phòng chống dịch bệnh nói trên.

VNS: Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc đối phó và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng hơn nữa?

Tiến sĩ Albert T.Lieberg: Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi từ tháng 8/2018, khi vi rút tả lợn đã ảnh hưởng đến nhiều nơi ở Trung Quốc.

Đặc biệt, ngay từ tháng 11/2018, kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi đã được ban hành nhằm không để dịch bệnh bùng phát trên toàn quốc. Chính phủ đã thể hiện sự chủ động cần thiết và đây là điều kiện rất tích cực để có thể kiểm soát được tình hình.

Theo những thông tin và quan sát của tôi, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng bằng những hành động ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.

Hai trong số những hành động quan trọng trước nhu cầu cấp bách hiện nay là tiêu hủy lợn đã bị nhiễm vi-rút và ngăn chặn việc vận chuyển lợn từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Cho đến nay, về mặt địa lý, Chính phủ và các bên liên quan đã khống chế thành công các ổ dịch ở khu vực miền Bắc Việt Nam.

VNS: Vậy FAO có những kiến nghị gì nhằm tăng cường khả năng ứng phó với dịch tả lợn châu phi của Việt Nam và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng hơn nữa, thưa ông?

Tiến sĩ Albert T.Lieberg: Chúng tôi đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong khi đó Chính phủ Việt Nam cũng đã tự quyết định việc giải quyết tình hình theo hướng đa ngành.

Tình hình dịch bệnh không chỉ là mối lo ngại đối với người sản xuất và ngành nông nghiệp mà còn đối với nhiều ngành kinh tế khác, chẳng hạn như ngành thực phẩm và kinh doanh nhà hàng.

Việc thành lập tổ công tác hoặc ban chỉ đạo liên bộ đang chuẩn bị được tiến hành. Theo tôi, đó là một cách giải quyết rất thông minh cho tình hình hiện tại.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, một yếu tố thường bị xem nhẹ ở các nước khác trong những tình huống tương tự là sự quan tâm tới sinh kế đang bị đe dọa của nhiều người dân trong ngành và những phân ngành liên quan – họ có khả năng bị mất đi toàn bộ hay một phần nguồn thu nhập của mình. Họ phải làm gì để sinh sống? Gia đình họ phải làm thế nào để cơ bản duy trì được sinh kế trung và ngắn hạn?

Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai chính sách bồi thường theo khu vực và tình hình thị trường. Người chăn nuôi ở một số nơi được bồi thường khoảng 80% giá trị thị trường mỗi kilogam thịt lợn bị thiệt hại.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng biện pháp khoanh vùng đã được khuyến cáo, nhằm hạn chế việc di chuyển lợn từ nơi này sang nơi khác.

Một yếu tố nữa tôi muốn đề cập là các tiêu chuẩn về an toàn sinh học. Vấn đề an toàn sinh học phải được tăng cường trên mọi phương diện tại các cơ sở chăn nuôi từ nhỏ đến lớn.

Một điều rất quan trọng là phải áp dụng đúng quy trình an toàn sinh học đối với những người đang tham gia công tác ứng phó với dịch bệnh – chúng ta có thể gọi họ là những nhân viên chống dịch.

VNS: FAO đã khuyến cáo Việt Nam nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tại sao ông nghĩ rằng điều này là cần thiết? Ông có thể giải thích thêm các tiêu chí cho việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia không?

Tiến sĩ Albert T.Lieberg: Tôi xin được làm rõ vấn đề này. Nhìn chung, ở FAO, chúng tôi nói đến việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nếu một bệnh dịch chuẩn bị có tác động mạnh tới nền kinh tế, một tỷ lệ lớn dân số, đặc biệt tới an ninh lương thực và sắp ảnh hưởng đến các nước láng giềng.

Tùy thuộc vào diễn biến về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh này tại Việt Nam, chúng tôi khuyến cáo Chính phủ cần theo dõi và đánh giá tình hình một cách sát sao và liên tục.

Trong bối cảnh này, mỗi ngày chúng ta đều cần xác định rõ mức độ, khả năng và thời điểm mà Chính phủ cần cảnh báo ở mức cao.

Hiện có khoảng 2,6 triệu hộ chăn nuôi lợn ở Việt Nam, với quy mô từ 3-4 nhân khẩu mỗi hộ, ta có một con số đáng kể với khoảng 10 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp xấu nhất. Rõ ràng họ có một vài nguồn thu nhập chính, nhưng chăn nuôi lợn vẫn là nguồn quan trọng.

Bên cạnh đó, Việt Nam có khoảng 1.700 gia trại hoặc trang trại. Ở đây chúng ta đề cập tới một số lượng lớn nhân công khác đang phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập từ ngành này.

Một vài con số trên cho thấy, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu nhất, thì một số lượng lớn các hộ gia đình và người lao động sẽ rất có khả năng bị ảnh hưởng. Do đó, chúng ta phải rất cảnh giác với tình hình.

Hiện nay dịch bệnh đang ở giai đoạn ban đầu nhưng kinh nghiệm ở các quốc gia khác cho thấy vi-rút có thể lây lan mạnh theo cấp số nhân trong một vài ngày và vài tuần tới.

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam có vị thế tối ưu để có thể kiểm soát tình hình. FAO sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ Chính phủ và người dân Việt Nam - đặc biệt là hỗ trợ các hộ gia đình nông thôn bị ảnh hưởng.

Nếu dịch bệnh truyền nhiễm này lan rộng sang các nước khác hay toàn khu vực, thì tình trạng đó có thể được gọi là khẩn cấp, khi ấy Chính phủ của các quốc gia bị ảnh hưởng sẽ cần phải phối hợp cùng nhau giải quyết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục