FAO và OECD dự báo giá các mặt hàng lương thực chính sẽ giảm trong thập kỷ tới

09:21' - 06/07/2021
BNEWS FAO và OECD dự báo giá các mặt hàng lương thực chính sẽ giảm trong thập kỷ tới sau khi tăng đột biến trong năm 2020.

Ngày 5/7, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã công bố báo cáo Triển vọng Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, trong đó dự báo rằng giá các mặt hàng lương thực chính sẽ giảm trong thập kỷ tới sau khi tăng đột biến trong năm 2020.

Nguyên nhân là do năng suất của các nông trại tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, duy trì ổn định.

Theo báo cáo, giá các mặt hàng nông sản đã tăng mạnh kể từ 2020 do Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu và kho dự trữ.

Trên cơ sở này, FAO đưa ra dự báo chi phí của các nhà nhập khẩu lương thực bật tăng trong năm nay. Tuy nhiên, giá của hầu hết các mặt hàng nông sản chính sẽ giảm nhẹ theo giá thực tế trong thập kỷ tới, nghĩa là quay trở lại xu hướng dài hạn là tăng sản lượng tỷ lệ thuận với quy mô dân số thế giới.

Cũng theo báo cáo, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ vẫn là động lực chính để thúc đẩy thị trường nông sản và thực phẩm toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ về thịt và cá. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá rằng nhu cầu này sẽ tăng chậm hơn so với thập kỷ trước.

Ngoài ra, các chuyên gia của FAO và OECD cũng dự báo rằng phát thải của ngành nông nghiệp sẽ tăng lên và chủ yếu là từ lĩnh vực chăn nuôi. Phát thải khí nhà kính (GHG) của ngành này được dự báo sẽ tăng 4% trong 10 năm tới, trong đó lượng khí thải do các trang trại chăn nuôi thải ra chiếm hơn 80%.

Hai tổ chức trên khuyến cáo các nước cần có thêm nhiều chính sách phát triển ngành nông nghiệp phù hợp, theo hướng thân thiện với môi trường.

Các chính phủ cần hỗ trợ để ngành này đóng góp hiệu quả vào việc giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu theo những quy định trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục