FAO: Chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục trong năm 2021

07:20' - 19/06/2021
BNEWS Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc cho biết chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục là 12% vào năm 2021.

Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) cho biết chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục là 12% vào năm 2021, trong bối cảnh giá hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng tăng cao do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Theo báo cáo Triển vọng Lương thực được FAO công bố hai lần/năm, chi phí nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt mức kỷ lục 1,715 nghìn tỷ USD trong năm 2021, so với con số 1,530 nghìn tỷ USD trong năm 2020.

FAO nhận định tăng trưởng thương mại nông sản trong thời kỳ đại dịch phản ánh trạng thái kém thích nghi của tiêu dùng thực phẩm, ngoài ra cũng cho thấy khả năng phục hồi của thị trường thế giới.

Tuy nhiên, việc giá thành thực phẩm tăng kể từ cuối năm 2020 khiến các nước phụ thuộc vào nhập khẩu đối mặt với rủi ro.

Bên cạnh đó, FAO cho biết chỉ số giá thực phẩm ghi nhận trong tháng 5 vừa qua đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, do một số loại thực phẩm cơ bản như ngũ cốc, dầu thực vật và đường tăng giá mạnh.

Ngoài ra, chỉ số về giá trị nhập khẩu lương thực, bao gồm cả chi phí vận chuyển hàng hóa, cũng đã tăng vọt và đạt mức kỷ lục vào tháng 3 vừa qua, vượt qua mức tăng đột biến từng được ghi nhận trong giai đoạn 2006-2008 và 2010-2012.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do lượng nhập khẩu các mặt hàng lương thực cơ bản tăng mạnh vào năm ngoái đã khiến chi phí nhập khẩu toàn cầu tăng lên mức kỷ lục là 3%.

Tuy nhiên, đồ uống và các sản phẩm từ cá là những trường hợp ngoại lệ, do nhạy cảm hơn với điều kiện kinh tế và nhu cầu hạn chế vì những khó khăn mà chuỗi cung ứng đang phải đối mặt.

Nhập khẩu thực phẩm của Trung Quốc được coi là động lực thúc đẩy nhu cầu và giá nông sản trong năm qua, phần nào phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng lại ngành chăn nuôi lợn sau khi dịch bệnh bùng phát.

Bên cạnh đó, FAO cũng dự báo nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong niên vụ 2021-2022 dự kiến sẽ tăng lên mức 24 triệu tấn, giữ Trung Quốc là nhà nhập khẩu ngô hàng đầu thế giới, cao hơn mức dự báo 22 triệu tấn trước đó.

Ngoài ra, việc sản lượng thịt lợn của Trung Quốc phục hồi sẽ làm giảm hoạt động thương mại của mặt hàng này trên toàn cầu và bù đắp cho sự gia tăng của thịt bò và thịt gia cầm, giúp hoạt động thương mại các mặt hàng thịt nói chung ổn định trong năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục