FDI vào khu vực Mỹ Latinh và Caribe phục hồi chậm

10:10' - 30/11/2022
BNEWS ECLAC thông báo vốn FDI vào khu vực Mỹ Latinh và Caribe năm 2021 đạt 14,8 tỷ USD, tăng 40,7% so với năm 2020, song vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch COVID-19.

Ngày 29/11, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) thông báo vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Mỹ Latinh và Caribe năm 2021 đạt 14,8 tỷ USD, tăng 40,7% so với năm 2020, song vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch COVID-19.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh dẫn báo cáo của ECLAC cho biết tốc độ phục hồi chậm của FDI phản ánh những khó khăn mà khu vực này đang đối mặt trong nỗ lực trở thành điểm đến thu hút các nhà đầu tư quốc tế giữa lúc giá nguyên liệu đầu vào ngày một tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế trì trệ.

Theo ECLAC, lượng FDI đổ vào Mỹ Latinh và Caribe - khu vực gồm 46 thành viên chính thức, trong năm 2021 chỉ chiếm 9% vốn FDI toàn cầu, thấp hơn khá nhiều so với mức 14% của giai đoạn 2013-2014. Đây được xem là lượng vốn FDI thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt khi FDI là nguồn đầu tư phát triển chủ lực tại khu vực.

Những quốc gia Mỹ Latinh và Caribe nhận được nhiều vốn FDI nhất trong năm 2021 bao gồm Brazil với 33%, Mexico đứng thứ 2 với 23%, sau đó là Chile với 11%, Colombia 7%, Peru 5% và Argentina 5%.

Theo ECLAC, FDI được xem là nguồn lực đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, nơi mà nguồn vốn đầu tư chung ở mức thấp so với bình quân toàn cầu.

Xét trên lĩnh vực đầu tư, các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên chiếm tỷ trọng lớn nhất với 62% tổng số FDI tại khu vực trong năm 2021, sau đó đến các dự án về dịch vụ - du lịch với 39%. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là hai nhà đầu tư lớn nhất tại Mỹ Latinh và Caribe, chiếm tỷ trọng lần lượt là 36% và 34%.

Theo báo cáo của ECLAC - tổ chức có trụ sở chính tại thủ đô Santiago (Chile), trong năm 2021, mặc dù vốn FDI liên quan đến hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe tăng 33%, nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, viễn thông và khai thác dầu khí.

Được thành lập vào năm 1948, ECLAC có 46 thành viên chính thức bao gồm 20 quốc gia Mỹ Latinh, 13 quốc gia Caribe và 13 quốc gia thuộc khu vực lân cận. Ngoài ra, ECLAC còn có 14 thành viên liên kết, trong đó chủ yếu là các hòn đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của các quốc gia khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục