Fomm - “Xanh hóa" môi trường bằng xe điện
Sau khi thành công trong việc chế tạo xe hơi “chống” sóng thần, công ty khởi nghiệp Nhật Bản Fomm tiếp tục triển khai ý tưởng mới với việc ra mắt dịch vụ chuyển đổi xe chạy xăng sang xe chạy điện trong nỗ lực “xanh hóa” môi trường.
Hãng tin Nikkei Asia đưa tin, Fomm sẽ cung cấp dịch vụ chuyển xe xăng thành xe điện bằng cách gắn thêm pin và động cơ vào những chiếc xe này. Bên cạnh đó, Fomm còn nhận đổi pin cho xe, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian sạc pin.
Dịch vụ này đã nổi lên như một cơ hội đầy hứa hẹn sau khi chính phủ nới lỏng các quy định về lưu trữ pin trong kho. Nó cũng cho thấy nhu cầu mạnh mẽ từ các công ty giao hàng muốn duy trì tốc độ vận hành cho đội xe của họ ở mức cao nhất bằng cách giảm thiểu thời gian sạc lại.Fomm cho hay pin và động cơ sẽ được sản xuất tại Nhật Bản và Thái Lan. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cũng “bật đèn xanh” khi nói rằng những chiếc xe tải chuyển đổi sẽ được phép sử dụng trên đường miễn là chúng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cho ô tô.Một trong những nhược điểm của xe điện là thời gian sạc lại lâu. Phải mất tới 10 giờ để sạc đầy pin cho ô tô bằng ổ cắm điện thông thường, ngay cả với bộ sạc nhanh cũng phải mất 30-60 phút. Một số bên điều hành xe phải sạc xe vào ban đêm để xe có đủ điện chạy ban ngày.
Với vấn đề này, dịch vụ đổi pin của Fomm có thể giải quyết dễ dàng, bởi hệ thống của họ chỉ cần hai phút để thay pin. Ngoài ra, bộ sạc sẽ được lắp đặt bên trong các trạm giao hàng, các tài xế có thể đổi pin lúc đến nhận hàng.Bên cạnh đó, Fomm còn hợp tác với hiệp hội các cửa hàng sửa chữa ô tô, đào tạo họ cách chuyển đổi xe xăng thành xe điện, bởi đây chính là địa điểm diễn ra quá trình chuyển đổi xe.Fomm đã đề xuất mức phí 1,8 triệu yen (khoảng 13.300 USD) để chuyển đổi 1.000 chiếc minivan trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2023.Tại Nhật Bản, việc mua một chiếc xe điện mới sẽ rẻ hơn so với việc chuyển đổi một chiếc xe tải nhỏ nhờ chương trình trợ cấp chỉ dành cho những người mua mới chứ không dành cho những người chuyển đổi xe.Song Fomm cho rằng việc sử dụng dịch vụ của công ty sẽ thuận tiện hơn cho các nhà điều hành kinh doanh vì dịch vụ đổi pin đi kèm sẽ giúp đội xe vận hành hiệu quả hơn. Chuyển đổi một chiếc xe tải nhỏ cũng có thể là một giải pháp cho các nhà điều hành doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm xe mới do thiếu nguồn cung.
Không chỉ Fomm, một số công ty sản xuất ô tô khác cũng đang nhắm đến mảng kinh doanh đổi pin xe. Một trong số đó là liên doanh công nghệ ô tô Commercial Japan Partnership Technologies (CJPT) mà Toyota là một thành viên đang tìm cách phát triển pin ô tô với công ty giao hàng Yamato Transport. Hay Isuzu Motors phát triển một loại xe tải nhỏ có thể đổi pin. Loại xe này được sử dụng trong dự án thí điểm gồm chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart và công ty Itochu kể từ tháng 11/2023.Honda Motors và công ty năng lượng Eneos cũng thành lập liên doanh Gachaco trong kế hoạch xây dựng 70 trạm đổi pin ở Tokyo đến tháng 3/2024.
Năm 2011, khi phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng mà thảm họa động đất sóng thần Nhật Bản gây ra cho người dân nơi đây, Hideo Tsurumaki, một cựu nhân viên của Toyota, đã ấp ủ ý tưởng về một mẫu ô tô có thể “bơi trong nước”.Sóng thần đã cuốn theo những chiếc ô tô mà bên trong là người dân đang tìm cách chạy thoát. Tại thời điểm đó, ông nghĩ rằng nếu như những chiếc ô tô có thể nổi trên mặt nước thì số người thương vong do thảm họa tự nhiên cũng ít hơn.
Hai năm sau, vào năm 2013, cựu nhân viên của Toyota bắt tay vào chế tạo một chiếc xe điện cỡ nhỏ có thể nổi trên mặt nước, thậm chí di chuyển với tốc độ thấp. Từ nguồn vốn ban đầu 200.000 yen (1.804 USD), ông thành lập một công ty khởi nghiệp với tên gọi Fomm và dự định sẽ sản xuất 10.000 xe mỗi năm tại một nhà máy gần Bangkok (Thái Lan).Sản phẩm của Tsurumaki sở hữu một hình dáng nhỏ gọn, thân xe trọng lượng nhẹ và các gói pin tích hợp dưới 4 ghế ngồi. Pin có thể thay thế nên người dùng không lo phải chờ đợi tới 6 tiếng đồng hồ để nạp năng lượng. Phương tiện đạt quãng đường hơn 160km với vận tốc tối đa 80km/h.Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất nằm ở chi phí. Xe điện có một nhược điểm là chi phí sản xuất đắt đỏ, một phần do công nghệ xuất pin. Một chiếc xe với khả năng "tự bơi" có thể còn phát sinh thêm một số chi phí khác nhằm đảm bảo nước không thể lọt vào bên trong nội thất. Bên cạnh đó, sản lượng hàng năm tương đối nhỏ cũng là một yếu tố khiến Fomm gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình đàm phán với các nhà cung cấp phụ tùng. Điều đó có nghĩa là với số tiền khoảng 18.153 USD cho một chiếc xe tự nổi, khách hàng có thể mua được một phương tiện lớn hơn rất nhiều.Ông Tsurumaki cho biết ông đang tìm cách để hạ giá bán xuống dưới 5.000 USD/xe bằng cách sử dụng các nhà cung ứng phụ tùng số lượng lớn với chi phí thấp hơn.Ý tưởng của Hideo Tsurumaki bắt nguồn từ những trận sóng thần nhưng mục tiêu cuối cùng mà ông hướng tới là một mẫu xe điện nhỏ gọn, một phương tiện các gia đình thường dùng cho những chuyến đi ngắn quanh khu phố. Theo ông, hầu hết khách hàng chỉ dùng đến khả năng tự nổi của chiếc xe trong những trường hợp khẩn cấp, có khi chỉ một lần duy nhất./.- Từ khóa :
- Fomm
- nhật bản
- xe điện
- xe chạy xăng
Tin liên quan
-
Phân tích doanh nghiệp
IKEA: Từ chú bé bán diêm đến "vua" đồ nội thất
20:43' - 05/09/2023
Ingvar Kamprad, người sáng lập IKEA, đã tham gia buôn bán từ lúc còn nhỏ. Một loạt kinh nghiệm ban đầu đã giúp ông đổi mới trong hoạt động tiếp thị của mình và đạt đến đỉnh cao.
-
Phân tích doanh nghiệp
Storial - Khơi dậy đam mê đọc sách
09:45' - 02/09/2023
Storial ra mắt vào năm 2018 với mục đích thay đổi thói quen đọc bằng cách hiện đại hóa trải nghiệm thông qua số hóa và giúp các tác giả xuất bản nhiều tác phẩm hơn.
-
Phân tích doanh nghiệp
Đón đầu cơ hội, ông chủ bút bi Thiên Long dựng cơ đồ hàng nghìn tỷ đồng
10:45' - 26/08/2023
Tính đến hết phiên giao dịch ngày 25/8, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán: TLG) có vốn hóa hơn 4.200 tỷ đồng.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.