FPT và sứ mệnh "vươn mình" thành công ty công nghệ thực thụ
Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) là doanh nghiệp công nghệ duy nhất thuộc nhóm VN30 (30 công ty hàng đầu đang niêm yết trên sàn HOSE có giá trị vốn hoá thị trường cũng như thanh khoản cao nhất).
Tuy là đại diện cho lĩnh vực công nghệ và niêm yết trên sàn chứng khoán từ cuối năm 2006, nhưng giai đoạn trước năm 2017, giới đầu tư vẫn còn nhiều tranh cãi về việc FPT có thực sự là công ty công nghệ hay không, khi hơn một nửa doanh thu của doanh nghiệp này đến từ các mảng không phải là công nghệ. Tuy nhiên, đến nay FPT đã có những bước đi táo bạo để dần “chuyển mình” thành công ty công nghệ thực thụ.
*Bước "chuyển mình"
Trong quá khứ, dù vẫn có tiếng là công ty công nghệ nhưng FPT lại đầu tư khá dàn trải ở nhiều lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ...
Giai đoạn từ 2011 - 2017, FPT là công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam nếu xét về doanh thu, tuy nhiên hơn một nửa trong số đó lại đến từ mảng bán lẻ và phân phối.
Giai đoạn 2017 – 2018, FPT thực hiện tái cấu trúc, thoái bớt vốn khỏi mảng bán lẻ và phân phối, tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh cốt lõi gồm công nghệ, viễn thông và giáo dục. Nhờ vậy, tập đoàn có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2018, với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt ở các mức 17,4% và 30,6% so với năm 2017. Trong cơ cấu doanh thu 23.100 tỷ đồng của FPT, mảng viễn thông chiếm khoảng 35% còn mảng công nghệ chiếm 57,7%.
Đến năm 2019, mảng công nghệ đóng góp 57% tổng doanh thu của FPT, các mảng viễn thông và giáo dục lần lượt đóng góp 37,5% và 5%.
Tiếp đó, trong giai đoạn tháng 1-7/2020, mảng công nghệ và viễn thông chiếm tới 95% tổng doanh thu của FPT.
Theo đó, trong 7 tháng, doanh thu của FPT là 15.958 tỷ đồng; trong đó, Khối công nghệ vẫn có đóng góp lớn nhất khi chiếm 55% doanh thu toàn tập đoàn; tiếp đến là mảng viễn thông với tỷ lệ 40% doanh thu. Theo khu vực, thị trường nước ngoài chiếm 43% doanh thu toàn tập đoàn.
Dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài là điểm sáng trong giai đoạn tháng 1-7/2020 của FPT, với mức tăng trưởng 16% về doanh thu. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số đạt 2.072 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC), FPT đang vươn mình thành công ty công nghệ thực thụ.
HSC cho rằng, nền tảng của FPT đã có sự thay đổi trong vài năm qua, công ty đã bán bớt cổ phần ở mảng bán lẻ và phân phối và đang vươn mình trở thành trung gian trong lĩnh vực công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ gia công phần mềm. FPT đặt tham vọng trở thành công ty công nghệ thực thụ và là một đối tác công nghệ được đánh giá cao trên thế giới.
FPT hiện tập trung vào 3 lĩnh vực, gồm dịch vụ gia công phần mềm và tích hợp hệ thống cho thị trường trong nước; viễn thông, bao gồm dịch vụ băng thông rộng, dịch vụ viễn thông B2B và dịch vụ nội dung số; giáo dục, bao gồm mọi cấp học từ bậc tiểu học đến sau đại học và giáo dục hướng nghiệp.
* Chuyển đổi số - hướng đi chiến lược của FPT
Trước năm 2016, FPT cung cấp công nghệ thông qua dịch vụ gia công phần mềm thường xuyên cho thị trường thế giới và các giải pháp tích hợp hệ thống, phần mềm trên thị trường trong và ngoài nước. Hầu hết doanh thu FPT đến từ các dịch vụ có giá trị gia tăng thấp như viết code, thử lỗi, nhúng phần mềm... với tư cách là nhà thầu phụ số 3, số 4 trong các dự án công nghệ thông tin lớn.
Trong đó, công ty Hệ thống Thông tin FPT (FIS) là một công ty thành viên có doanh thu chủ yếu đến từ dịch vụ tích hợp hệ thống phần cứng, bảo dưỡng phần cứng và điều chỉnh theo nhu cầu các phần mềm cho doanh nghiệp trong nước. Lợi thế cạnh tranh chủ chốt là chi phí thấp.
Tuy nhiên đến nay, chiến lược của FPT chuyển sang hướng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cao, bao gồm chuyển đổi số và trở thành một đối tác công nghệ được đánh giá cao.
FPT cho biết, thông điệp của doanh nghiệp tập trung vào quá trình chuyển đổi số là hướng đi chiến lược trong giai đoạn 2019 - 2021, bên cạnh việc từng bước đạt mục tiêu Top 50 Công ty dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới trước năm 2030. Ngoài ra, FPT cũng sẽ song hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hiệu quả bằng phương pháp luận phù hợp và hệ sinh thái giải pháp "Made by FPT".
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia từ HSC cho rằng chuyển đổi số đang mở ra những cơ hội to lớn cho FPT. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi mắt xích cao nhất trong chuỗi giá trị công nghệ thông tin.
HSC cho rằng FPT đã xây dựng thành công năng lực cơ bản của một nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Công ty đã phát triển những sản phẩm có bản quyền, sử dụng công nghệ tối tân nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, Internet vạn vật (IOT) và phân tích dữ liệu lớn. Công ty còn có đội ngũ khoảng 18.000 kỹ sư công nghệ thông tin.
Ngoài ra, FPT còn vận hành hỗ trợ nhiều ngành khác như bán lẻ, phân phối, ngân hàng, chứng khoán và giáo dục… nên doanh nghiệp này có thể tích lũy kiến thức về nhiều ngành khác nhau, hiểu được nhu cầu của các doanh nghiệp trong những ngành này và nâng cao kỹ năng xây dựng các sản phẩm cụ thể cho từng ngành, cung cấp các giải pháp và kiểm nghiệm.
Năng lực chuyển đổi số của FPT đã được chính thức công nhận trên thế giới khi vào đầu năm 2019, công ty trở thành một trong những đối tác được công nhận bởi Airbus cho chương trình đối tác nền tảng Skywise của hãng này. Những đối tác khác gồm Accenture, Capgemini, IBM và Sopra Steria, đây đều là những tên hàng đầu trên thế giới về chuyển đổi số.
Là đối tác phát triển kho ứng dụng của Airbus, FPT và các doanh nghiệp còn lại đã được đội ngũ của Airbus đào tạo để có thể phát triển những ứng dụng mạnh và phong phú trong nền tảng Skywise cho các hãng hàng không là khách hàng của Airbus.
Hiện có khoảng 80 hãng hàng không trên thế giới đã kết nối tàu bay Airbus và tàu bay không phải Airbus với Skywise.
Theo HSC, là đối tác của Skywise, FPT đủ điều kiện để xây dựng và triển khai các ứng dụng Skywise cho các hãng hàng không tại khu vực châu Á Thái Bình Dương như Cathay Pacific, Philippine Airlines, Garuda Indonesia, Malaysia Airlines...
Ông Hoàng Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chuyển đổi số của FPT cho rằng, một trong những lý do chính để FPT chuyển dịch từ cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện là cơ hội lớn từ thị trường trong nước cũng như thế giới.
Theo dự báo, đến năm 2022, quy mô thị trường chuyển đổi số toàn cầu sẽ đạt 2.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với thị trường dịch vụ công nghệ thông tin.
Ở thị trường trong nước, Việt Nam đang xây dựng đề án Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2025 sẽ lọt top 4 ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á)về xếp hạng số hóa quốc gia. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ như FPT khai thác thị trường rộng lớn, và đóng góp vào quá trình chuyển đổi số quốc gia bằng các giải pháp, sản phẩm dịch vụ như "Made by FPT", "Make in Vietnam".
Bên cạnh đó, chuyển đổi số là cơ hội để FPT nâng tầm vị thế, vươn lên phân khúc có giá trị cao trong chuỗi giá trị dịch vụ công nghệ thông tin thông qua hoạt động tư vấn chuyển đổi số. Nhờ đó, FPT có được những hợp đồng giá trị cao với các doanh nghiệp Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500)./.
Tin liên quan
-
Chứng khoán
Sau 8 tháng, FPT đạt lợi nhuận trước thuế hơn 3.340 tỷ đồng
16:42' - 18/09/2020
Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế 8 tháng năm 2020 của FPT đạt lần lượt 18.321 tỷ đồng và 3.343 tỷ đồng.
-
Chứng khoán
FPT Retail giảm lợi nhuận do mở rộng chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu
08:52' - 20/08/2020
FPT Retail thông báo lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 hơn 52,33 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
-
Chứng khoán
Phiên đấu giá cổ phần của FPT bị hủy do không có nhà đầu tư tham gia
14:33' - 07/08/2020
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh vừa thông báo về việc hủy tổ chức bán đấu giá cả lô cổ phần của Công Ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) vì không có nhà đầu tư tham gia đăng ký.
-
Chứng khoán
Một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trở thành cổ đông lớn của FPT
17:46' - 24/07/2020
Tổ chức Macquarie Bank Limited cho biết, đã mua thành công hơn 2,9 triệu cổ phiếu FPT, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,996% lên 5,37% và trở thành cổ đông lớn của FPT.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.