G20 bị hối thúc trong hoán đổi trái phiếu kiểu Brady

16:10' - 28/06/2021
BNEWS Ba nhóm tư vấn ngày 28/6 đã hối thúc nhóm G20 thành lập một công cụ mới của toàn cầu để bảo lãnh trái phiếu mới kiểu Brady mà các chủ nợ tư nhân có thể hoán đổi nợ cũ với mức giảm giá trị đáng kể.
Ba nhóm tư vấn ngày 28/6 đã đưa ra đề xuất "Giảm nợ vì sự phục hồi xanh và bao trùm" nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ và góp phần giúp các nước có gánh nặng nợ lớn đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới tăng trưởng nợ bền vững hơn và một nền kinh tế carbon thấp trong quá trình hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Đề xuất trên theo kiểu trái phiếu Brady mà các nước Mỹ Latinh đã phát hành vào cuối những năm 1980, cho phép các ngân hàng thương mại có thể chuyển đổi nợ của các nước đang phát triển thành các công cụ có thể giao dịch và đưa số nợ này ra khỏi bảng cân đối kế toán.

Kế hoạch trên, do Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston, Quỹ Heinrich Boell và Trung tâm tài trợ bền vững của Đại học SOAS London, kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thành lập một công cụ mới của toàn cầu để bảo lãnh trái phiếu mới mà các chủ nợ tư nhân có thể hoán đổi nợ cũ với mức giảm giá trị đáng kể.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động làm gia tăng mức nợ vốn đã cao của nhiều nước thu nhập thấp và trung bình, trong khi làm giảm khả năng ứng phó của các nước này trước cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế cũng như thích ứng trước biến đổi khí hậu của các nền kinh tế.

Phản ứng của G20 cho đến nay đã tập trung vào các nước nghèo nhất, khiến 22 trong 72 nước thu nhập thấp và trung bình vẫn trong tình thế ngặt nghèo về nợ. Các chủ nợ tư nhân gần như chưa tham gia vào nỗ lực của G20 trong việc hoãn thanh toán nợ và cơ chế chung về xử lý nợ.

Theo Viện Tài chính Quốc tế, nợ tiếp tục tăng ở các thị trường mới nổi, lên mức cao kỷ lục trên 86.000 tỷ USD trong quý I/2021.

Trong khi các nền kinh tế lớn đang sử dụng nguồn tiền từ các biện pháp kích thích trong đại dịch để hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, sẽ là khó khăn khi vừa thực hiện yêu cầu cấp bách trong việc giảm nợ vừa thúc đẩy việc chuyển đổi sang các nền kinh tế carbon thấp, đặc biệt là với các nền kinh tế tập trung vào các nguồn tài nguyên.

Ba nhóm trên cho rằng G20 cần hành động ngay. Kinh nghiệm cho thấy việc phản ứng chậm trễ trước các cuộc khủng hoảng nợ sẽ dẫn tới những hệ lụy tồi tệ hơn và khiến cả người đi vay và các chủ nợ chịu tổn thất lớn hơn.

Các nhóm hối thúc các quan chức tài chính G20 mở rộng cơ chế xử lý nợ với các nước có thu nhập trung bình và ủng hộ việc phát hành trái phiếu mới có thể đổi nợ cũ để đảm bảo sự tham gia của các chủ nợ tư nhân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục