G20 hợp tác chống dịch COVID-19 và thúc đẩy nền kinh tế

08:08' - 04/09/2020
BNEWS Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các ngoại trưởng G20 thừa nhận tầm quan trọng của việc mở cửa biên giới và xúc tiến các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Các ngoại trưởng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 3/9 đã tham dự một hội nghị trực tuyến đặc biệt do Saudi Arabia chủ trì, nhằm thảo luận biện pháp nới lỏng hạn chế đi lại và tăng cường hợp tác xuyên biên giới, sau nhiều tháng áp dụng các lệnh phong tỏa chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. 

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các ngoại trưởng G20 thừa nhận tầm quan trọng của việc mở cửa biên giới và xúc tiến các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, các bộ trưởng còn thảo luận về công tác phối hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh xuyên biên giới nhằm bảo vệ tính mạng và sinh kế của người dân.

Việc nhiều quốc gia áp dụng các lệnh phong tỏa với mức độ và thời gian khác nhau đã ảnh hưởng tới sinh kế của người dân, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, nguồn thu sụt giảm và hàng triệu lao động bị mất việc làm.

Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan cho biết, tái mở cửa biên giới bên cạnh áp dụng các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp các nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, đem lại sự thịnh vượng và niềm tin hợp tác cùng vượt qua đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng những hạn chế đi lại hiện nay có thể kéo dài hơn cuộc khủng hoảng trước mắt. Ông Guterres kêu gọi các ngoại trưởng G20 đồng thuận về một “tiêu chí chung” để có thể dỡ bỏ các hạn chế đi lại dựa trên cách tiếp cận khoa học, bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư nhằm hỗ trợ hoạt động đi lại an toàn, trong đó có tăng cường xét nghiệm và truy vết tiếp xúc.

Hội nghị trực tuyến đặc biệt của các ngoại trưởng G20 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, khiến nhiều nền kinh tế lớn suy thoái nghiêm trọng. Các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới tuy góp phần kiểm soát sự lây lan của bệnh dịch nhưng cũng gây ra những tác động không nhỏ đối với phát triển kinh tế-xã hội, gây gián đoạn các chuỗi thương mại và đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục