G20 nhất trí lập khuôn khổ chung để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển

17:35' - 16/06/2019
BNEWS Ngày 16/6, các bộ trưởng năng lượng và môi trường của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhất trí thiết lập khuôn khổ hành động chung giảm rác thải nhựa ra đại dương.
Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada (thứ hai từ phải qua trái) và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hiroshige Seko (thứ ba từ phải qua trái) tại lễ bế mạc. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Theo đó, khuôn khổ này sẽ tạo thuận lợi cho việc thực thi hiệu quả Kế hoạch hành động của G20 về rác thải nhựa trên biển thông qua việc khuyến khích các hành động tự nguyện của các nước thành viên G20 phù hợp với các chính sách quốc gia, cách tiếp cận và các điều kiện cụ thể.

Bên cạnh đó, khuôn khổ này cũng thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước thành viên G20, trong đó khuyến khích việc chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp, công nghệ trong xử lý rác thải nhựa trên biển.

Mặt khác, khuôn khổ trên cũng khuyến khích việc tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên G20 với các nước ngoài nhóm, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội để cùng nhau giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu này.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên biển là một trong hai chủ đề “nóng” trong chương trình nghị sự tại Hội nghị Bộ trưởng G20 về chuyển đổi năng lượng và môi trường toàn cầu vì sự tăng trưởng bền vững.

Trong thông điệp được phát đi từ hội nghị này, các nước G20 đã nhất trí rằng tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên biển trên toàn cầu hiện nay không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến việc đánh bắt cá và hoạt động du lịch của các quốc gia có biển trên thế giới mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.

Toàn cảnh lễ bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về chuyển đổi năng lượng và môi trường toàn cầu vì sự tăng trưởng bền vững. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Vì vậy, tất các nước trên thế giới, từ các nước phát triển, các nước mới nổi đến các nước đang phát triển cần chung tay hợp tác chặt chẽ trên bình diện toàn cầu nhằm giải quyết thách thức lớn về ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.

Về phía nước chủ nhà Nhật Bản, Bộ trưởng Môi trường Yoshiaki Harada cho biết đề xuất của Nhật Bản về các giải pháp xử lý rác thải nhựa trên biển và các hạt nhựa siêu nhỏ đã được Hội đồng Môi trường của Liên Hợp Quốc thông qua trong tháng 3/2019.   

Bên cạnh đó, đề xuất của Nhật Bản về việc sửa đổi Công ước Basel (về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu huỷ chúng), trong đó đưa rác thải nhựa vào diện kiểm soát đã được các bên tham gia Công ước thông qua.

Theo Bộ trưởng Harada, tại hội nghị này, Nhật Bản đã đề xuất thiết lập thoả thuận khung về việc các nước G20 đi đầu thế giới trong việc thực thi các hành động nhằm xử lý vấn đề rác thải nhựa trên biển.

Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết việc giảm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa sẽ là giải pháp quan trọng với vấn đề rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa trên biển nói riêng. 

Bên cạnh đó, giải pháp đốt rác thải nhựa và thu nhiệt để phát điện cũng sẽ là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này./.

Xem thêm:

>>Đề xuất tổ chức hội nghị Nghiên cứu Phát triển G20 về công nghệ năng lượng sạch

>>Bộ trưởng Thương mại Mỹ dập tắt kỳ vọng về "thỏa thuận cuối cùng" với Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục