“Gã khổng lồ” Gazprom đối mặt với thách thức lớn

07:25' - 01/11/2015
BNEWS Đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng Gazprom có thể không còn con đường nào khác ngoài việc phải tách thành hai doanh nghiệp để tồn tại.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây nhận định Nga là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ cũng như khí đốt chủ chốt của thế giới, với lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chiếm 50% nguồn thu ngân sách Liên bang Nga và 68% tổng kim ngạch xuất khẩu của "xứ sở Bạch dương".

Kết quả trên có được không thể không kể đến đóng góp của "gã khổng lồ" năng lượng Gazprom của nước này.

Thành tựu đạt được

Trong Thế chiến II năm 1945, Liên bang Xôviết quyết định thành lập ngành công nghiệp khí đốt và đến năm 1965, Chính phủ trao toàn bộ quyền khai thác, phát triển cũng như phân phối khí đốt cho Bộ Công nghiệp Khí đốt.

Nhưng phải chờ tới cuối năm 1989, bộ này mới chính thức được chuyển đổi thành Gazprom – doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước đầu tiên của Nga và dưới quyền điều hành của Chủ tịch Alexei Miller.

Trải qua hơn 25 năm phát triển, từ những bước đi chập chững đầu tiên, Gazprom đã leo lên "ngôi vương" trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên thế giới, mặc dù hoạt động sản xuất từ các công ty khác cũng đang gia tăng.

Chủ tịch Alexei Miller. Ảnh: Reuters

Hiện tại, Gazprom đang triển khai các dự án khai thác khí đốt tại bán đảo Yamal – khu sản xuất khí đốt cung cấp cho thị trường châu Âu lớn nhất của Nga, khu vực thềm Bắc cực, Đông Siberia, đảo Sakhalin và vùng Viễn Đông cũng như các nơi khác trên toàn cầu. Gazprom sở hữu hệ thống đường dẫn khí đốt lớn nhất thế giới UGSS với tổng chiều dài hơn 168.000 km.

Tập đoàn đang hướng đến mục tiêu "bá chủ" thị trường năng lượng toàn cầu, thông qua việc đa dạng hóa thị trường, đảm bảo nguồn cung, gia tăng công suất và tận dụng các tiềm năng khoa học kỹ thuật.

Thách thức lớn trong lịch sử hoạt động

Tuy nhiên, cũng như đa số các doanh nghiệp Nga, hứng chịu chung tác động từ chính biến trong và ngoài nước, Gazprom đang phải nỗ lực duy trì vị trí chi phối trên thị trường năng lượng thế giới, trong bối cảnh châu Âu "lạnh nhạt" với Nga và Gazprom vấp phải tình trạng cạnh tranh gia tăng trên thị trường nội địa.

Đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng Gazprom có thể không còn con đường nào khác ngoài việc phải tách thành hai doanh nghiệp để tồn tại.      

Với việc nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái do giá dầu lao dốc và các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới tình hình bất ổn ở Ukraine, Bộ Kinh tế Nga dự đoán sản lượng khí đốt năm 2015 của Gazprom ước chỉ đạt 414 tỷ m3, mức thấp nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Trụ sở chính của Gazprom tại Moskva. Ảnh: Reuters

Mức vốn hóa thị trường của Gazprom đã giảm liên tục trong những năm gần đây. Trước cuộc khủng hoảng 2008, Gazprom trị giá hơn 300 tỷ USD, song con số này hiện chỉ ở mức khoảng 50 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với các đối thủ lớn trong ngành.  

Theo Chris Weafer, một đối tác của công ty tư vấn Macro Advisory, Gazprom đang đứng trước một thách thức lớn nhất trong lịch sử hoạt động của hãng. Các chuyên gia dự đoán Gazprom sẽ gặp nhiều trở ngại để có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn này và tình hình sẽ “dễ thở” hơn nếu Gazprom được "chia nhỏ" ra.         

Không những thế, cuộc chiến về giá với Saudi Arabia cũng tác động đến tập đoàn này.

Theo nguồn tin từ công ty, Gazprom Neft -công ty sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba của Nga thuộc sở hữu của "gã khổng lồ Gazprom"- đang phải ứng phó với tình trạng giá dầu thấp và áp lực tăng sản lượng trong thời gian tới nếu đối thủ Saudi Arabia tăng sản lượng để thử thách khả năng thích ứng của các đổi thủ.

Chưa dừng lại ở đó, “người khổng lồ” Gazprom trong năm nay còn bị cơ quan chống độc quyền của Ủy ban châu Âu (EC) sờ gáy, khi gửi thông báo chính thức về những cáo buộc tập đoàn này lợi dụng vị trí chi phối của mình trên thị trường Trung và Đông Âu, gây sức ép trong dự án xây dựng tuyến đường ống khí đốt Yamal tại Ba Lan và "Dòng chảy phương Nam" ở Bulgaria.

EC cũng cáo buộc Gazprom đặt mức giá cao hơn tới 40% cho năm nước EU gồm Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan và Bulgaria. Theo quy định của EU, mức phạt do vi phạm các quy định về độc quyền có thể lên tới 10% thu thập hàng năm của doanh nghiệp.

Mặc dù thời gian gần đây Gazprom liên tiếp vấp phải các thách thức bên trong và bên ngoài, song vì giữ vai trò là “ngành xương sống” đối với công nghiệp Nga, tập đoàn khổng lồ này đã dần vực dậy hoạt động kinh doanh.

Tính đến giữa năm 2015, lợi nhuận ròng của Gazprom đạt 294 tỷ ruble (4,6 tỷ USD), tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, mang lại hi vọng về một “ngày mai trời lại sáng” cho tập đoàn này.

Kim Dung (Tổng hợp)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục