Gần 20% bệnh nhân không triệu chứng mắc "COVID kéo dài" ​​

08:15' - 24/06/2021
BNEWS Gần 20% số bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng đã phải trải qua những vấn đề về sức khỏe của một loại bệnh mang tên "COVID kéo dài" (Long COVID).

Gần 20% số bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng đã phải trải qua những vấn đề về sức khỏe của một loại bệnh mang tên "COVID kéo dài" (Long COVID), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người mắc cả về thể chất lẫn tinh thần.

Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu lớn về "COVID kéo dài" được công bố ngày 15/6.

"COVID kéo dài", còn được gọi là hội chứng sau mắc COVID-19 hoặc di chứng sau giai đoạn mắc COVID-19 cấp tính, chỉ các triệu chứng của bệnh tồn tại hơn 4 tuần kể từ khi được phát hiện.

Tổ chức phi lợi nhuận FAIR Health đã xem xét các đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm của 1,96 triệu người dân Mỹ từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2021.

Nghiên cứu phát hiện ở mọi lứa tuổi, các triệu chứng phổ biến nhất sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 lần lượt là đau, khó thở, cholesterol cao, cảm giác khó chịu và mệt mỏi cùng huyết áp cao.

Tỷ lệ tử vong từ 30 ngày trở lên sau khi được chẩn đoán ban đầu mắc COVID-19 ở những bệnh nhân nhập viện và xuất viện cao hơn 46 lần so với những người không nhập viện.

Nhìn chung, 0,5% bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện sau đó được xuất viện đã tử vong sau 30 ngày hoặc xa hơn sau chẩn đoán ban đầu. Trong khi đó, 19% bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng lại trải qua các triệu chứng của "COVID kéo dài" 30 ngày kể từ lần chẩn đoán ban đầu.

Con số này đã tăng lên 27,5% ở bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nhưng không nhập viện và 50% ở những người nhập viện.

Thứ tự các triệu chứng phổ biến nhất của "COVID kéo dài" khác nhau tùy theo các nhóm tuổi, đơn cử như ở trẻ em, các vấn đề đường ruột thường xảy ra phổ biến hơn là mức cholesterol cao.

Hầu hết các triệu chứng của "COVID kéo dài" xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới, song một số bệnh như viêm tim lại phổ biến ở nam giới, chiếm 52% các trường hợp so với 48% ở nữ giới.

Trong số 4 tình trạng sức khỏe tâm thần được đánh giá sau 30 ngày, lo lắng là phổ biến nhất, tiếp theo là trầm cảm, rối loạn sự thích ứng và rối loạn các cơ.

Hạn chế lớn nhất của nghiên cứu mới này là thiếu nhóm người chưa từng mắc COVID-19, vốn giúp xác định mức độ của các triệu chứng mà COVID-19 gây ra so với những triệu chứng trùng hợp ngẫu nhiên. Nguyên nhân của "COVID kéo dài" hiện vẫn chưa được biết rõ.

Các giả thuyết đặt ra bao gồm phản ứng miễn dịch kéo dài của cơ thể sau giai đoạn cấp tính; tổn thương ban đầu do virus gây ra, chẳng hạn như tổn thương các đường dẫn thần kinh làm chậm quá trình phục hồi và sự tồn tại dai dẳng của virus SARS-CoV-2 ở mức độ thấp trong cơ thể.

Trước đó, báo cáo chuyên đề về "COVID kéo dài" được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trong năm nay cho thấy COVID-19 có thể khiến sức khoẻ con người bị suy giảm kéo dài.

Khoảng 20% số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng, 10% trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược.

"COVID kéo dài" có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19, họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

WHO kêu gọi các nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề sức khoẻ do "COVID kéo dài" gây ra như phát triển các quy trình chăm sóc mới và các hướng dẫn cho nhân viên y tế theo các bệnh cảnh lâm sàng; tạo ra các dịch vụ thích hợp, bao gồm cả phục hồi chức năng và các công cụ hỗ trợ người bệnh trực tuyến; có những hành động để giải quyết những hậu quả lớn hơn của "COVID kéo dài" bao gồm quan tâm đến việc làm, chính sách trả lương khi ốm đau, và tiếp cận với các gói phúc lợi dành cho người khuyết tật; quản lý người bệnh bị "COVID kéo dài" và hình thành các hệ thống giám sát khác..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục