Gà "nội" thua gà "ngoại" ngay trên sân nhà

17:25' - 01/09/2015
BNEWS Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Ðông Nam bộ, trong 2 năm trở lại đây, sản lượng thịt gà đông lạnh từ các nước, đặc biệt là từ nước Mỹ nhập vào Việt Nam ngày càng tăng.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện gà công nghiệp bán tại trại có giá 24.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng. Giá gà tăng do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này của thị trường đang rất tốt.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lên xuống theo cung cầu thị trường về lâu dài khi hội nhập thì gà nội sẽ khó đứng vững trước lượng thịt gà nhập ngoại. Giá gà nội tăng là do lượng gà nhập khẩu trong tháng 8 giảm mạnh so với các tháng trước phần nào tác động đến giá thịt gà nội địa.

Gà nội thua gà ngoại

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Ðông Nam bộ, trong 2 năm trở lại đây, sản lượng thịt gà đông lạnh từ các nước, đặc biệt là từ nước Mỹ nhập vào Việt Nam ngày càng tăng. Nếu như năm 2014, Việt Nam nhập 80.000 tấn thịt đông lạnh, thì trong 6 tháng đầu năm nay, con số này đã đạt xấp xỉ 50.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ.

Ðiều này đã làm cho giá gà trong nước liên tục xuống thấp, khiến người nuôi gà cả nước nói chung và Ðồng Nai nói riêng liên tiếp chịu thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản.

Một hộ chăn nuôi gà ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, một năm qua, giá gà công nghiệp (gà lông trắng) trên địa bàn tỉnh dao động từ 21.000 đến 22.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi gà trên địa bàn tỉnh đang lỗ khoảng 12.000 đồng/con (gà khoảng 3 kg/con).

Trong đó, nguyên nhân lớn nhất khiến gà nội "hụt hơi" trước các sản phẩm ngoại nhập thời gian qua chính là giá thành sản phẩm. Do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún và quá nhiều khâu trung gian khiến các sản phẩm từ gà trong nước luôn có giá thành cao dẫn đến sức cạnh tranh kém.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai, thời điểm này, nếu có một môi trường cạnh tranh công bằng, thịt gà Việt Nam cũng khó có thể cạnh tranh lại với thịt gà ngoại nhập.

Ðiều này sẽ còn chênh lệch hơn khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định thương mại TPP. Lúc đó, thuế xuất nhiều mặt hàng; trong đó có các sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm về 0% thì sự yếu thế của ngành nuôi gà trong nước sẽ càng được bộc lộ.

Ông Nguyễn Trí Công cho biết thêm, giá thành chăn nuôi gà được cấu thành bởi các yếu tố con giống, thức ăn chăn nuôi, thú ý, chuồng trại và trình độ kỹ thuật. Trong khi đó, người nuôi gà trong nước chỉ có mỗi một lợi thế là giá nhân công rẻ, trong khi mọi khâu khác gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài.

Bên cạnh đó, thực trạng chăn nuôi đang diễn ra theo hướng “mạnh ai nấy làm”, mỗi người một khâu. Sự thiếu liên kết trong sản xuất khiến sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến tay người tiêu dùng trải qua quá nhiều khâu trung gian làm giá thành sản phẩm luôn ở mức cao.

Nâng cao sức cạnh tranh cho gà nội

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Phạm Minh Đạo cho biết, để nâng sức cạnh tranh cho gà nội, thời gian qua, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã có những giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhằm xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ gà.

Xây dựng chuỗi liên kết là xu thế tất yếu khi hội nhập. Chăn nuôi theo chuỗi sẽ cân bằng lợi ích giữa các khâu như con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ. Qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, sản phẩm tăng được lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện 2 dự án liên kết phát triển chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ gà là: mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm gà, vịt thịt của Công ty CP phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thực hiện tại các xã: Xuân Mỹ, Sông Ray và Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) với quy mô 50.000 con gà, vịt thịt; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà thảo dược của Hợp tác xã nông nghiệp xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) với quy mô 120.000 con.

Cũng theo ông Nguyễn Trí Công, hiện nay chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số chuỗi sản xuất tương đối thành công như chuỗi liên kết của Công ty TNHH Một thành viên chăn nuôi Bình Minh và các chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, đối với phần lớn người nuôi gà nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình thì sự liên kết trong sản xuất hầu như chưa có. Trong khi đây chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng và dễ tổn thương nhất khi mở cửa thị trường.

Hiện nay, Hợp tác xã sản xuất và chế biến Đồng Hiệp (Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai) đang triển khai xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn sinh học để liên kết các nông hộ chăn nuôi thành chuỗi sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh trạnh.

Mô hình chuỗi chăn nuôi gà của Đồng Hiệp hiện đã có sự tham gia của khoảng 30 hộ nuôi tại huyện Thống Nhất với tổng đàn khoảng 150.000 con gà. Các hộ chăn nuôi tham gia vào chuỗi liên kết của Hợp tác xã sẽ được cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi...

Hợp tác xã cũng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của xã viên với Công ty chế biến thực phẩm Vissan và Công ty Koyu & Unitek để bao tiêu sản phẩm.

Với hình thức này, các chi phí đầu vào sẽ được giảm thiểu đáng kể trong khi đầu ra cũng được Hợp tác xã bao tiêu với giá ổn định ngang bằng với giá thị trường. Nhờ con giống, thức ăn chăn nuôi được Hợp tác xã mua với số lượng lớn để cung cấp cho người nuôi nên giá thành thấp hơn so với người nuôi mua lẻ.

Theo ông Phạm Minh Đạo, khi hội nhập, việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh và đặc biệt là đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu cấp thiết. Theo đó tỉnh đã triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”.

Đến năm 2020, Đồng Nai sẽ có tổng đàn gà đạt trên 16 triệu con; trong đó chăn nuôi trang trại chiếm 95% và 100% sản phẩm chăn nuôi từ gà tham gia đề án truy xuất được nguồn gốc.

Ngoài ra, nhằm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm gà trong nước là chăn nuôi theo hướng VietGAP. Đến nay, Đồng Nai đã có 8 trại gà được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tại những cơ sở này, việc chăn nuôi được theo dõi, thực hiện theo quy trình chung, bắt buộc.

Chăn nuôi theo hướng VietGAP không những giúp người nuôi tối ưu hóa chi phí sản xuất mà còn phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, một yếu tố quan trọng để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm từ gà khi hội nhập.

Tuy nhiên, ông Đạo cũng cho rằng, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng là Nhà nước chưa có những cơ chế đặc thù để hỗ trợ.

Hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chỉ áp dụng cho lĩnh vực trồng trọt. Chính điều này đã khiến các doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi; trong đó có chăn nuôi gà không được hưởng các chính sách ưu đãi./.

Lê Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục