Gần 120 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

14:36' - 19/01/2020
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng vừa ký quyết định phê duyệt đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025" với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng.

 Đề án nhằm mục tiêu kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững.  

Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 12.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Ảnh minh họa: Thanh Hòa - TTXVN.

Theo đề án, tốc độ phát triển doanh nghiệp mới đạt 15% trong năm 2020 và đạt 20%/năm trong giai đoạn năm 2021-2025. Đến năm 2020, Bến Tre sẽ có 500 doanh nghiệp khởi nghiệp; trong đó, có 250 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và 1.200 doanh nghiệp khởi nghiệp vào năm 2025. Trong số này có từ 600-650 doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 12.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Đồng thời, hình thành các cụm liên kết ngành chủ yếu như chế biến nông thủy sản, logictics, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao (sản xuất cây giống, hoa kiểng), công nghiệp - dịch vụ, hậu cần nghề cá...

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được tỉnh hỗ trợ một số nội dung như: thông tin; tư vấn, hoàn thiện hồ sơ thành lập doanh nghiệp; mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp còn được hỗ trợ đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ; phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được tỉnh hỗ trợ về: sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, không gian làm việc chung; ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tài chính, tín dụng; tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ... Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên ngành, chuỗi giá trị.

Ông Cao Văn Trọng khẳng định, những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển khá mạnh cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Đến nay, Bến Tre có 4.357 doanh nghiệp với vốn đăng ký 34.377 tỷ đồng; trong đó, có 3.422 doanh nghiệp đang hoạt động với vốn đăng ký 30.200 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 79.000 lao động.

Trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, tỉnh còn có 45.790 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh với đầy đủ các thành tố; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, chính sách khuyến khích khởi nghiệp được ban hành góp phần thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 84%. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng vẫn còn hạn chế. Các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển.

Việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp ở một số lĩnh vực còn chậm. Nguồn lực cho sản xuất kinh doanh như tín dụng, đất đai, thị trường đầu ra… còn gặp nhiều khó khăn. Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế trong quản trị, điều hành với nguồn lực tài chính yếu, số lượng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể nhiều.

"Nếu có giải pháp phù hợp, hỗ trợ đủ mạnh dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh nói riêng thì sẽ tạo được động lực để phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, quy mô. Đồng thời, từng bước gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp quy mô lớn; hình thành các trục liên kết, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm chủ lực của tỉnh." - ông Cao Văn Trọng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục