Gần 21.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn khôi phục sản xuất

08:12' - 06/10/2023
BNEWS Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã triển khai thành công 20 chương trình tín dụng chính sách. Theo đó, có gần 21.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn khôi phục sản xuất.

Bằng phương thức cho vay trực tiếp, có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã triển khai thành công 20 chương trình tín dụng chính sách. Theo đó, có gần 21.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn khôi phục sản xuất.

 

Nhờ triển khai hiệu quả, nhiều chương trình tín dụng chính sách, đưa nguồn vốn và dư nợ đạt mức tăng trưởng cao. Riêng 9 tháng năm 2023, tổng nguồn vốn hoạt động từ Ngân hàng Chính sách đạt 5.723 tỷ đồng, tăng gần 380 tỷ đồng, tăng trưởng 7,1% so với năm 2022.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 5.712 tỷ đồng, tăng gần 375 tỷ đồng, tăng trưởng 7,02% so với năm 2022, hoàn thành 98,99% kế hoạch năm và hoàn thành 86,59% kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm.

Thông qua các nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho 20.754 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Cùng đó, hỗ trợ 1.598 người lao động được tạo việc làm, duy trì việc làm; có 19.271 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo, xây mới và hàng trăm đối đối tượng chính sách được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở, cùng nhiều học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến…

Các chương trình tín dụng chính sách triển khai tại Phú Thọ gồm: cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh - sinh viên, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Đáng lưu ý, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phục vụ kịp thời chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả. Từ năm 2002 đến hết năm 2022, đã có trên 78.200 hộ thoát nghèo; 215.800 lao động được tạo việc làm; hỗ trợ kinh phí cho trên 7.800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho trên 97.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập.

Nguồn vốn cũng hỗ trợ xây mới, cải tạo và sửa chữa cho gần 345.200 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mua, sửa chữa, xây mới cho 339 căn nhà ở xã hội và 15.729 căn nhà cho hộ nghèo…

Theo ông Dũng, đạt được  kết quả trên UBND tỉnh đã chỉ đạo phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện đời sống và trả được nợ ngân hàng. Chương trình tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 31,08% năm 2005 đến hết năm 2022 theo tiêu chí mới còn 5,19%.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng hoạt động tín dụng chính sách giai đoạn 2021 - 2030 phát triển theo hướng ổn định bền vững, đủ năng lực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Đặc biệt, đảm bảo đáp ứng 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục