Khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng

16:07' - 21/08/2023
BNEWS Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhiều khó khăn tự vươn lên.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đề ra nhiều chủ trương để triển khai và thực hiện các chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội nhằm thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội. 

Trong đó, tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhiều khó khăn tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đây thực sự là giải pháp sáng tạo và phù hợp với thực tiễn của đất nước ta. 

"Những năm qua, mặc dù ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta không ngừng tập trung nguồn lực để thực hiện tốt chính sách nhân văn này", ông Dũng cho hay.

Nhấn mạnh MTTQ Việt Nam là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tạo đồng thuận xã hội và gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, thời gian qua MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để triển khai, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách đi vào cuộc sống với hiệu quả ngày càng được nâng cao.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư; ngày 04/10/2002 Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 
Qua hơn 8 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và hơn 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, tích cực triển khai lộ trình phù hợp với tình hình thực của NHCSXH, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

“Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của NHCSXH được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay uỷ thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.

Điểm lại một số kết quả nổi bật trong triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhắc tới việc phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, MTTQ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt là việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cũng như tuyên truyền về Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; nhằm kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách nêu trên, ngày 23/12/2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và NHCSXH đã ký Chương trình phối hợp nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Tuyên truyền về Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hoạt động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp; kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội, hoạt động của NHCSXH; huy động các nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” và bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. 

Đến nay đã có 42 tỉnh, thành phố xây dựng Chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và NHCSXH (TP Đà Nẵng, Bến Tre, Cà Mau, An Giang, Thừa Thiên - Huế, Hòa Bình, Quảng Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Quảng Trị, Đồng Tháp, Trà Vinh, Quảng Bình, Bình Định, Bắc Giang, Ninh Thuận,...)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục