Gần 42% công trình nước sạch nông thôn không hoạt động, kém hiệu quả

14:31' - 15/11/2024
BNEWS Cả nước có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 9.374.264 hộ gia đình nông thôn; trong đó có 32% công trình hoạt động bền vững.

Tại Hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 15/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá: Mục tiêu đến năm 2030 có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch là rất lớn. Trong khi nguồn lực đầu tư cho cấp nước nông thôn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước lại hạn chế, nguồn lực xã hội chỉ huy động được ở khu vực đồng bằng, tập trung đông dân cư, thiếu giải pháp thỏa đáng để thúc đẩy nguồn lực này cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

 

Bên cạnh đó hệ thống chính sách về cấp nước chưa được hoàn chỉnh, các quy định hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất, tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn chưa cao. Hay như mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình nước sạch tập trung khu vực nông thôn đa dạng, chưa có quy định cụ thể, thống nhất. Giá nước thấp, thu không đủ bù chi, thiếu kinh phí hỗ trợ theo quy định... dẫn tới tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động còn cao, chất lượng dịch vụ thấp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đánh giá cao những kết quả đáng khích lệ đạt được trong nước sạch nông thôn và đã có 116 công trình có công suất từ 5.000 m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung cho khoảng 55% dân số nông thôn, 94% các trường học. Các hộ gia đình chưa được cấp nước tập trung đã được hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và hướng dẫn các biện pháp thu, trữ, xử lý nước an toàn cho mục đích sinh hoạt.

Toàn quốc có 74,2% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn. Trong số đó, có 55,1% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung và 19,1% số hộ sử dụng nước từ cấp nước hộ gia đình.

Cấp nước nông thôn cũng đã góp phần vào kết quả thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Gần 80% xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm; trong đó có chỉ tiêu về nước sạch nông thôn.

Theo ông Lương Văn Anh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi, trong 7 vùng, vùng Đồng bằng sông Hồng có số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn cao nhất (91,9%) so với các vùng khác trên phạm vi toàn quốc; vùng Tây Nguyên có số hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất (39,5%).

Vùng miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất trên toàn quốc và đây cũng là những vùng có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất so với các vùng khác và so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.

Cả nước có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 9.374.264 hộ gia đình nông thôn; trong đó có 32% công trình hoạt động bền vững; 26,3% công trình hoạt động tương đối bền vững; 27% công trình hoạt động kém bền vững và 14,8% công trình không hoạt động.

Như vậy, số công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động chiếm 41,8%, ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hộ (chiếm 1,2% dân số nông thôn). Đây chủ yếu là công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô rất nhỏ do UBND xã và cộng đồng quản lý vận hành.

Theo ông Lương Văn Anh, từ 55,1% hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung hiện nay, để đến năm 2030 đạt tỷ lệ 80% số hộ được sử dụng nước sạch đạt chuẩn, cần tăng thêm 24,9% (bình quân tăng gần 5%/năm). Đây là một thách thức rất lớn đối với các địa phương.

Bên cạnh đó, có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ sử dụng nước sạch từ cấp nước tập trung giữa các vùng, như miền núi phía Bắc mới đạt 17,7%, Tây Nguyên 12,7%, đặc biệt có 1 số tỉnh rất thấp, dưới 20%. Tỷ lệ hộ gia đình xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực II, III) vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được tiếp cận tới nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung còn rất hạn chế.

Theo ông Lương Văn Anh, do chưa có định mức kinh tế, kỹ thuật về quản lý khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn nên phần lớn các địa phương phê duyệt giá nước chưa được tính đúng, tính đủ. Cơ chế đặt hàng và kinh phí phân bổ đối với dịch vụ cấp nước vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chưa được thực hiện, dẫn đến các đơn vị cấp nước nông thôn gặp nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành công trình.

Các mô hình do UBND xã, cộng động quản lý vận hành tồn tại rất nhiều vấn đề. Nguyên nhân do công trình có quy mô nhỏ với công nghệ đơn giản, chi phí quản lý vận hành không lớn. Cơ chế tài chính không rõ ràng, khó được kiểm tra và xác định tính minh bạch về tài chính; giá nước thấp, nguồn thu không đủ chi phí cho các hoạt động; chất lượng nước, số lượng nước không thể kiểm soát.

Xu hướng xã hội hóa đang phát triển ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nhưng còn thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tư nhân thực hiện dịch vụ cấp nước cũng như công cụ pháp lý quản lý nhà nước chưa đủ mạnh để bảo đảm cấp nước an toàn và bảo đảm an sinh xã hội dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát, mất an ninh cấp nước.

Mục tiêu đến năm 2030, 100% các tổ chức quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý khai  thác; 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn.

Để đạt mục tiêu trên, theo ông Lương Văn Anh, cần rà soát, đánh giá năng lực, hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước, chuyển giao quản lý khai thác công trình cấp nước cho những đơn vị có đủ năng lực. Xây dựng và thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá nước sạch nông thôn; thực hiện bù chéo chi phí trong quản lý vận hành công trình cấp nước tiến tới quy định giá nước cho từng công trình…

Cùng với nguồn hỗ trợ, nguồn lồng ghép nguồn vốn từ từ các chương trình, dự án có cùng mục tiêu về nước sạch nông thôn cần huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ sớm ban hành Nghị định quản lý nước sạch nông thôn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục