Gần 7.200 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 91 qua trung tâm thành phố Cần Thơ

11:05' - 24/10/2023
BNEWS 7 km còn lại của Quốc lộ 91 qua trung tâm thành phố Cần Thơ sẽ được nâng cấp, mở rộng mặt đường lên 37m với kinh phí gần 7.200 tỷ đồng.

Dự án dự kiến khởi công vào quý III/2024, hoàn thành năm 2027.

Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 (Km0-Km7) dài 7 km, đi qua hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy (đường Cách Mạng Tháng Tám và Lê Hồng Phong hiện hữu), tổng mức đầu tư 7.188 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.775 tỷ đồng, có hơn 1.100 trường hợp bị ảnh hưởng.

 

Tại buổi kiểm tra mới đây, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu lưu ý, đây là công trình trọng điểm của thành phố, Trung ương quan tâm ưu tiên nguồn vốn, bố trí trong thời gian ngắn để thành phố giải quyết, tinh thần làm việc đối với dự án này cũng cần khác biệt so với các dự án khác.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, đây là dự án hết sức quan trọng do đó điều đầu tiên phải đảm bảo được các yếu tố pháp lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố sớm trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư dự án; triển khai kiểm, đếm trong dân để khi có pháp lý sẽ thực hiện ngay và phải chính xác gần như tuyệt đối. Giai đoạn đầu tập trung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, khi có được mặt bằng ít nhất 70% mới tiến hành đấu thầu xây dựng.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, trong giai đoạn này việc quan trọng là tiến hành kiểm đếm, tính toán việc thu hồi đất thật chính xác để kỳ họp HĐND cuối năm 2023 sẽ thông qua cả chủ trương đầu tư và chủ trương thu hồi đất. Ưu tiên bố trí, tập trung nguồn vốn cho bồi thường, giải phóng mặt bằng chứ chưa thực hiện đấu thầu, chọn nhà thầu thi công. Khi có mặt bằng ít nhất 70% thì mới tiến hành đấu thầu để tránh phát sinh các vướng mắc.

Về tái định cư, Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu quận Ninh Kiều có sẵn nền nên cố gắng triển khai sớm. Đối với quận Bình Thủy cần sớm triển khai xây dựng thêm khu tái định cư Long Hòa 2 để bố trí tái định cư cho dự án này, phấn đấu đến giữa năm 2024 phải có được khoảng 200 nền phục vụ tái định cư các công trình trọng điểm...

Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng lưu ý, khi tìm đất làm khu tái định cư cần lấy các khu đất trống, đất nông nghiệp để chuyển đổi chứ không quy hoạch ở các khu dân cư đông đúc, vừa mất công giải tỏa, thu hồi đất sau đó lại làm khu tái định cư mới. Làm sao đảm bảo lợi ích cho người dân vừa thuận lợi cho triển khai dự án. Đây là hình thành các khu đô thị mới để di chuyển dân đang ở phân tán vào các khu này, phát triển thành những khu thương mại, dịch vụ có thể kinh doanh buôn bán để người dân có cuộc sống tốt hơn.

Theo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 91 là tuyến quốc lộ chính yếu khu vực phía Nam, có điểm đầu tại Cần Thơ, điểm cuối là Cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), chiều dài 135 km, quy mô cấp III, từ 2 - 6 làn xe.

Theo đó, đoạn đi qua Cần Thơ có chiều dài khoảng 51 km, điểm đầu giao với vòng xoay đường Trần Phú – Nguyễn Trãi – Hùng Vương (quận Ninh Kiều) và kết thúc tại cầu Cái Sắn, giáp ranh tỉnh An Giang.

Tuyến đường này được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư thông qua ba dự án. Trong số đó, dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp (đoạn Km7 - Km14) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015 với quy mô chiều dài tuyến 7 km, mặt cắt ngang 37m. Đoạn từ Km14 – Km50+899 được nâng cấp, cải tạo theo hình thức BOT cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2015 với bề rộng mặt đường 12m, quy quy mô đường cấp III đồng bằng.

Riêng đoạn 7 km còn lại của tuyến từ Km0 – Km7, vào năm 2008, UBND thành phố Cần Thơ từng có quyết định phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo vối tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn hỗ có mục tiêu của Chính phủ. Khi dự án đang triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì bị hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ.

Theo UBND thành phố Cần Thơ, từ khi hai dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 91 (từ đoạn Km7 đến Km 50+899) hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2015 đã tạo áp lực rất lớn về giao thông lên đoạn còn lại (Km0 - Km7) do không đồng bộ.

Tình hình giao thông trên đoạn đường này diễn biến ngày càng phức tạp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng do mặt đường nhỏ, hẹp, lưu lượng gia tăng đột biến. Đặc biệt do cao trình hiện hữu thấp, hệ thống thoát nước quá nhỏ nên hàng năm khi mưa lớn và triều cường thường xuyên gây ngập nặng…

Tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ, dự án nâng cấp cải tạo 7 km này đã được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác và giao UBND thành phố Cần Thơ là cơ quan chủ trì thực hiện.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, dự kiến sau khi có chủ trương phân bổ vốn Trung ương 3.235 tỷ đồng (từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2022), Sở Giao thông Vận tải hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở để Sở Giao thông Vận tải triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư…

Theo tiến độ dự kiến, giai đoạn thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là năm 2023-2024; giai đoạn triển khai bao gồm lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và triển khai thi công xây dựng kéo dài khoảng 36 tháng. Dự kiến khởi công trong quý III/2024 và hoàn thành năm 2027./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục