Chủ đầu tư BOT Quốc lộ 19 kiến nghị khẩn vì lo thi công cao tốc làm hỏng đường

13:13' - 19/10/2023
BNEWS Việc bảo trì dự án vốn đã rất khó khăn về kinh phí nay lại tiếp tục gặp khó khăn hơn khi có nhiều phương tiện chở vật liệu thi công cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn di chuyển trên dự án BOT Quốc lộ 19.

Công ty TNHH BOT 36.71 (đơn vị quản lý, vận hành BOT-  Quốc lộ 19) vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan (Ban Quản lý dự án 85, Cục Đường bộ Việt Nam, Khu quản lý đường bộ III) xử lý các vướng mắc của dự án BOT Quốc lộ 19 trong quá trình xây dựng Dự án thành phần Hoài Nhơn – Quy Nhơn thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua dự án.

Công văn do ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 (doanh nghiệp dự án) ký cho hay, để phục vụ nhu cầu vật liệu cho việc xây dựng các dự án cao tốc qua tỉnh Bình Định sẽ có nhiều phương tiện vận tải lớn hoạt động vận chuyển rất nhiều đất, đá và các loại vật liệu khác trên Quốc lộ 19.

Cụ thể, dự án cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn giao nhau với Quốc19 tại nút giao km22+400. Cùng với đó, ngày 25/9 vừa qua, Công ty TNHH BOT 36.71 đã nhận được văn bản 1074/TĐTT-DAHN.QN của Tập đoàn Trường Thịnh về việc thi công mở đường công vụ vào mỏ đất TDTS27 (DD14) giao với Quốc lộ 19 tại Km30+855 (bên trái tuyến) và các nhà thầu thi công khác.

Hiện tỉnh Bình Định cũng đã cấp phép mỏ khai thác đất tại km30+200 (bên phải tuyến), hàng ngày có rất nhiều lượt xe tải chở đất đi trên Quốc lộ 19 gây bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. Đặc biệt xe tưới nước của mỏ đất thường xuyên xả nước lênh láng ảnh hưởng rất lớn tới kết cấu của mặt đường, phá hỏng các đoạn đường, vì thế mà thời gian qua nhà đầu tư BOT đã phải nhiều lần sửa chữa các hư hỏng này cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường tốn rất nhiều công sức...

“Nay để phục vụ thi công cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn lại tiếp tục mở thêm đường công vụ vào mỏ đất tại km30+885 (bên trái tuyến) cũng sẽ gia tăng nguy cơ gây hư hỏng đường và ô nhiễm môi trường, với khối lượng đất đá khai thác vận chuyển lớn. Với tầng suất như vậy thì chỉ trong thời gian ngắn đoạn đường này sẽ bị phá hỏng. Ngoài ra, khoảng 25 km (từ km17+054,51 đến km 42+00), Quốc lộ19 có rất nhiều mỏ khai thác vật liệu (đất, đá, cát…), đoạn tuyến sẽ như là đường công vụ, đường công trường phục vụ thi công tuyến cao tốc Bắc -Nam”, văn bản Công ty TNHH BOT 36.71 cho hay.

Đặc biệt, ông Nguyễn Trung Dũng nhấn mạnh, việc bảo trì dự án vốn đã rất khó khăn về kinh phí nay lại tiếp tục gặp khó hơn khi lưu lượng gia tăng. Trong khi đó, doanh nghiệp hầu như không thu được phí đường bộ từ các phương tiện này (do trạm thu phí của dự án đặt tại Km49+550).

Chấp hành chủ trương của Bộ giao thông Vận tải về việc xây dựng cao tốc Bắc –Nam, đồng thời để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư trong việc quản lý và khai thác sau này và thuận lợi cho đơn vị thi công các gói thầu cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Công ty TNHH BOT 36.71 đề xuất hai phương án xử lý.

Theo đó, phương án thứ nhất, bàn giao nguyên trạng 25 km tuyến đường Quốc lộ 19 (từ km17+054,51- km 42+00) cho chủ đầu tư dự án cao tốc đang triển khai qua dự án cho đến khi kết thúc dự án và hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu cho Công ty TNHH BOT 36.71 quản lý, khai thác. Trong thời gian thực hiện và sau khi kết thúc dự án yêu cầu chủ đầu tư cao tốc phải xử lý việc bảo trì trên đoạn tuyến từ km 17+054- km42, Quốc lộ 19.

Phương án thứ 2, chủ đầu tư dự án cao tốc đang triển khai qua dự án nghiên cứu phương án làm đường công vụ để phục vụ thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam, không đi trên tuyến BOT - Quốc lộ 19.

Đối với tỉnh Bình Định, lãnh đạo Công ty TNHH BOT 36.71 cho hay, trên Quốc lộ 19 cũng có rất nhiều mỏ (đất, cát, đá, cát ) đang hoạt động để cung cấp vật liệu  cho các dự án xây dưng trên địa bàn tỉnh Bình Định (các khu công nghiệp, khu đô thị, các dự án xây dựng), xe vận chuyển cho các công trình này cũng thường xuyên làm rơi vãi vật liệu, đặc biệt tại một số mỏ cát dọc Sông Kôn. Điều này đã làm công việc quản lý bảo trì trên tuyến của doanh nghiệp gặp khó khăn và cơ bản doanh nghiệp cũng không thu được phí từ những phương tiện này,  ảnh hưởng đến doanh thu thu phí của dự án BOT.

Trong một diễn biến liên quan đến khó khăn về tài chính của dự án BOT Quốc lộ 19, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 (doanh nghiệp dự án) cho biết, sau 8 năm đi vào khai thác chưa năm nào doanh thu đáp ứng được phương án tài chính theo hợp đồng BOT. Hiện trung bình mức thu phí chưa được 50% phương án tài chính hợp đồng BOT.

Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, năm 2022 phương án tài chính theo hợp đồng BOT là 297,5 tỷ đồng, thực tế thực hiện tổng doanh thu năm 2022 của dự án BOT Quốc lộ 19 chỉ đạt 139 tỷ đồng tương ứng chỉ bằng 47% so với hợp đồng BOT và bằng 64% theo phương án tài chính đã được đều chỉnh từ năm 2018.

Trước đó để tính phương án giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho dự án, Công ty TNHH BOT 36.71 đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và rất nhiều văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng VietinBank đề nghị xem xét cơ cấu lại khoản vay theo hợp đồng tín dụng, tuy nhiên phía phía ngân hàng không đồng thuận, do vậy doanh nghiệp vẫn phải tiêp tục phải bù lỗ chi phí, xoay sở từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác để chi phí để trả gốc và lãi cho ngân hàng và duy trì việc quản lý bảo trì dự án.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Dũng, năm 2023, từ đầu năm đến nay mức thu của 2 trạm trên tuyến vào khoảng 10 tỷ đến 11 tỷ đồng mỗi tháng thì tình hình tài chính của dự án cũng không khả quan mấy.

Cho dù phương án tài chính bị thiếu hụt trầm trọng nhưng với trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công trình, với cộng đồng cũng như nhận thức về việc đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, cuối năm 2022 vừa qua, nhà đầu tư đã rất khó khăn để huy động các nguồn vốn khác với khoảng 30 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa, bảo trì cho các đoạn tuyến từ km 17+054,51-km 50, Quốc lộ 19 trên địa bàn tỉnh Bình Định và đoạn km108-km 131+300 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đến nay việc sửa chữa đã hoàn thành, việc đi lại trên tuyến đã hoàn toàn êm thuận.

Liên quan đến lộ trình tăng phí theo hợp đồng BOT là 3 năm một lần, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đinh Cao Thắng, Trưởng phòng Tài chính (Cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, lộ trình tăng phí theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT đối với các dự án BOT đã được Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng trình Bộ Giao thông Vận tải. Nếu Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ cho phép các dự án BOT được tăng phí theo lộ trình, qua đó tháo gỡ khó khăn cho các dự án này.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km 17+054,51 - Km 50+00 trên địa phận tỉnh Bình Định và Km 108+00 - Km 131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.460 tỷ đồng gồm: Vốn nhà đầu tư 279,5 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 1.180 tỷ đồng, thời gian dự kiến hoàn vốn trong 20 năm 6 tháng 19 ngày. Đây là công trình do Tổng công ty 36 - CTCP là nhà đầu tư, Công ty TNHH BOT 36.71 là doanh nghiệp dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục