Gắn “thẻ căn cước” cho đặc sản Đà Lạt

13:29' - 22/04/2019
BNEWS Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng đặc sản Đà Lạt” vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt vào cuối tháng 3/2019.

Theo đó, mục tiêu nhằm giúp người tiêu dùng truy xuất thông tin nhà sản xuất, thông tin sản phẩm để quản lý an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng đặc sản Đà Lạt, bảo vệ thương hiệu, chống gian lận thương mại.

 Giới thiệu trái bơ Đà Lạt tại Triển lãm quốc tế OCOP. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Trong năm 2019, tỉnh sẽ hỗ trợ 100 cơ sở sản xuất đặc sản Đà Lạt để thử nghiệm đề án; trong đó, hỗ trợ 82 cơ sở làm đăng ký mã số mã vạch và phí sử dụng mã số mã vạch trong vòng 1 năm.

Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ phí sử dụng mã vạch cho 18 cơ sở. Tổng kinh phí hỗ trợ cho đề án này là gần 300 triệu đồng, bao gồm chi phí điều tra thu thập thông tin, phổ biến kiến thức về mã số mã vạch, kinh phí tuyên truyền và một số kinh phí khác.
Việc hỗ trợ các cơ sở xây dựng đề án là nhằm giúp các cơ sở chế biến, kinh doanh đặc sản Đà Lạt hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm, tạo uy tín trên thị trường. Sau khi xây dựng thành công những mô hình ban đầu, đề án sẽ triển khai nhân rộng trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các địa phương lân cận.
Theo đó, mỗi loại hàng hóa được nhận diện bởi một dãy số và mỗi một dãy số chỉ tương ứng với một loại hàng hóa. Nó như là “thẻ căn cước” của hàng hóa, giúp phân biệt nhanh chóng và chính xác các loại hàng hóa khác nhau. Ngoài ra, sản phẩm đặc sản còn được gắn mã vạch.
Ngoài việc hỗ trợ thủ tục hồ sơ và chi phí đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, các cơ sở chế biến hàng đặc sản Đà Lạt còn nằm trong đề án được ưu tiên giới thiệu, kết nối cung cấp sản phẩm vào các hệ thống phân phối, kênh phân phối trong và ngoài tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục