Gắn trách nhiệm doanh nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm

13:11' - 30/06/2022
BNEWS Doanh nghiệp cần xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch và kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào nhằm đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thời gian tới các doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào. Cùng đó, liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh về vấn đề này tại hội thảo Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới do Bộ Công Thương tổ chức sáng 30/6 tại Hà Nội.

*Đảm bảo cung ứng

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng thuộc phạm vi quản lý với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bình ổn thị trường giá cả và bảo đảm lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ sản xuất, xuất nhập khẩu là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Vụ Thị trường trong nước thực hiện và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai.

Đáng lưu ý, những tháng qua dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới nhưng nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp.

Song song với quá trình bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, việc bảo đảm an toàn thực phẩm kết hợp với an toàn dịch bệnh cũng đã được Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thực hiện thường xuyên, liên tục và theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hơn nữa, Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong kinh doanh thực phẩm an toàn.

Cụ thể như tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa an toàn thực phẩm, bảo đảm chất lượng vào hệ thống phân phối với phương thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp trực tiếp để thích ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh cũng như sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Ghi nhận của Vụ Thị trường trong nước cho thấy, trong năm 2021, các hệ thống phân phối hiện đại như Big C&Go, Satra Food, MM Mega Market, Sài Gòn Co.op… đã nỗ lực vượt bậc trong việc tạo nguồn hàng, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm an toàn cho các địa điểm cách ly y tế, bệnh viện và nhất là người dân trong vùng dịch.

Ngoài ra, hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Central Retail... cũng cam kết không tăng giá hàng hoá. Việc này rất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng do hàng hoá chống dịch là một trong những mặt hàng có nhu cầu khá lớn, nhất là dịp cuối năm và lễ Tết nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nguy cơ lây nhiễm bệnh lớn.

Đáng lưu ý, số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi các điểm bán bình ổn thị trường tăng nhanh qua các năm, đa dạng về cơ cấu chủng loại mặt hàng, cập nhật theo diễn biến tình hình thị trường của từng năm và mở rộng đến khắp các địa bàn, nhất là đã vươn tới các chợ truyền thống.

Chia sẻ một số vấn đề mới trong yêu cầu đáp ứng quy định kỹ thuật của một số quốc gia và vùng lãnh thổ về an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) thông tin, đến nay Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do nhưng bên cạnh những cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, mặt hàng thực phẩm của Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức từ quá trình hội nhập và những xu hướng phát triển về công nghệ, chính trị, thương mại.

Ông Nguyễn Việt Tấn cho rằng, việc tham gia vào thương mại quốc tế là điều tất yếu mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Do sự phức tạp của hệ thống các biện pháp, quy định của các nước, khu vực nên đôi khi việc không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cũng có thể xảy ra, kể cả ở những tập đoàn đa quốc gia có uy tín.

Tuy nhiên, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp hướng tới nhiều mục tiêu chính sách khác nhau về an ninh quốc gia, môi trường, cạnh tranh lành mạnh (TBT) và bảo vệ cuộc sống, sức khoẻ con người, vật nuôi, động thực vật thông qua việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm và ngăn chặn các dịch bệnh (SPS) liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.

“Điều này sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu” - ông Nguyễn Việt Tấn nhấn mạnh.

*Tăng cường kiểm soát

Để tăng hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần iCheck cho rằng, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại giá trị cho doanh nghiệp như minh bạch thông tin, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất; quản lý các rủi ro.

Hơn nữa, qua đây còn giúp doanh nghiệp tối ưu chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng thực phẩm, khoanh vùng các rủi ro khi gặp sự cố, tránh các hàng giả, hàng nhái, đảm bảo uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, muốn chuẩn hóa hệ thống truy xuất nguồn gốc, đầu tiên cần hiểu đúng về quy chuẩn của mã truy xuất nguồn gốc.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất, triển khai thực hiện truy xuất sản phẩm nông sản, Công ty cổ phần iCheck đã nghiên cứu và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn Quốc gia.

Việc này giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện vùng trồng, nhà xưởng, vùng sản xuất và thông tin truy xuất theo các chuỗi cung ứng, quá trình hình thành lên sản phẩm như vật tư, con giống, vùng trồng, vùng sản xuất, nhân viên; ghi lại nhật ký điện tử quá trình sản xuất, vận chuyển, phân phối ….tới thành phẩm cuối cùng.

Ông Tô Duy Hải, Trưởng ban Đối ngoại Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng hướng đến sản phẩm thực phẩm có lợi cho sức khỏe, Acecook Việt Nam đang nghiên cứu và thay thế từng bước các loại bao bì sản phẩm từ nhựa khó phân hủy sang giấy và một số chất liệu có thể tự phân hủy và thân thiện với môi trường.

Đồng thời, Acecook Việt Nam tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật; trong đó, trọng tâm là quy định liên quan đến Luật An toàn thực phẩm tại Việt Nam và các nước xuất khẩu; đồng hành góp phần truyền thông luật và quy định mới tới doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Acecook Việt Nam và doanh nghiệp cùng ngành để nâng cao vai trò và trách nhiệm tuân thủ pháp luật.

Nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định, thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo lực lượng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch triển khai hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022; tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Tổng cục sẽ chỉ đạo lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương nhằm mang lại hiệu quả cao trong kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; chú trọng kiểm tra các kho hàng thực phẩm đông lạnh và trong lưu thông nhằm ngăn chặn việc buôn bán các loại thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc.

Để góp phần bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh, Vụ Thị trường trong nước đã lên kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản; trong đó có nội dung về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Mặt khác, Vụ Thị trường trong nước sẽ thực hiện truyền thông về an toàn thực phẩm, kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cũng như hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm tại một số địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục