Gập ghềnh đường về đích của thoả thuận thương mại hậu Brexit

07:48' - 14/12/2020
BNEWS London và Brussels đã nhất trí sẽ kéo dài đàm phán thương mại hậu Brexit sau thời hạn chót ngày 13/12.

Đây từng được coi là cơ hội cuối cùng để Vương quốc Anh tránh khỏi một kịch bản đầy sóng gió sau khi nước này chính thức ra khỏi quỹ đạo của Liên minh châu Âu vào cuối tháng.

Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo bà đã có cuộc điện đàm hữu ích với Thủ tướng Anh Boris Johnson và hai bên nhất trí kéo dài đàm phán thương mại hậu Brexit sau thời hạn chót ngày 13/12.

Phát biểu sau cuộc điện đàm, bà Leyen cho biết "bất chấp tình trạng kiệt sức và bỏ lỡ thời hạn chót, chúng tôi cho rằng hai bên nên có thêm thời gian". Bà nói: "Chúng tôi đã ủy thác cho các nhà thương lượng tiếp tục tiến hành đàm phán".

Về phần mình, London cũng tuyên bố đã ủy thác cho các nhà đàm phán tiếp tục thương lượng và xem liệu có đạt được một thỏa thuận sau này hay không.

Bất chấp thực tế các cuộc thương lượng dai dẳng trong gần một năm qua không đạt được nhiều tiến triển và nhiều lần thời hạn chót đã bị bỏ lỡ, Anh và EU vẫn cho rằng hai bên cần có thêm thời gian.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã lập tức hoan nghênh quyết định tiếp tục đàm phán của Anh và EU. Ông nhấn mạnh các bên cần nỗ lực hết sức để đạt được một thỏa thuận tốt.

Quyết định trên cũng nhận được sự hoan nghênh của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Ireland Simon Conveney.

Phát biểu họp báo tại Berlin, bà Merkel cho rằng nên thực hiện mọi việc để đạt được một thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh, và "mọi cơ hội đạt được một thỏa thuận rất được hoan nghênh".

Trong khi đó, ông Conveney cho rằng đàm phán hậu Brexit là một dấu hiệu tốt, đồng thời nhận định việc đạt được một thỏa thuận rõ ràng là rất khó, song có thể thực hiện được.

Trước đó cùng ngày, các nguồn tin trong EU cho biết các nhà đàm phán của khối này và Vương quốc Anh đã đạt được một số tiến triển trong việc thu hẹp bất đồng trong các cuộc đàm phán thương mại kể từ hôm 11/12, song không có đột phá nào mang tính quyết định trong vấn đề cạnh tranh công bằng hay quyền đánh bắt cá.

Sau khi chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1 năm nay, Anh bắt đầu quá trình chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31/12 tới để thảo luận với EU về thỏa thuận thương mại mới cho mối quan hệ có kim ngạch trao đổi song phương trị giá gần 1.000 tỷ USD/năm này.

Hiện hai bên vẫn bất đồng về ba nội dung cốt lõi liên quan đến quyền đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng và giải quyết tranh chấp.

Trong dự thảo mới nhất đưa ra ngày 10/12, EU muốn hai bên tiếp tục vào đánh bắt cá trong vùng biển của nhau trong 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2021, và duy trì dịch vụ đường không, đường bộ, vận chuyển hàng hóa trong vòng 6 tháng cũng từ thời hạn trên. Tuy nhiên, phía Anh không chấp nhận.

Trong trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận, hai bên sẽ phải áp dụng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong quan hệ thương mại như áp đặt thuế quan và hạn ngạch./.

                       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục